Người biểu tình Hong Kong tập trung bên ngoài Lãnh sự quán Anh, yêu cầu London có hành động vì Bắc Kinh không tôn trọng tuyên bố chung Trung - Anh.
Cuộc biểu tình có sự tham gia của hàng trăm người và bắt đầu từ sáng nay, những người tham gia vừa tuần hành vừa hô to câu khẩu hiệu "chúng ta sẽ không đầu hàng" nhằm kêu gọi sự hỗ trợ từ Anh.
Những người tổ chức biểu tình cho hay họ muốn Anh gây áp lực để khiến Trung Quốc tôn trọng các cam kết trong tuyên bố chung Trung - Anh được ký năm 1984 và thừa nhận rằng mô hình "một quốc gia, hai chế độ" không hiệu quả.
Trung Quốc trong khi đó tuyên bố họ vẫn tuân thủ mô hình "một quốc gia, hai chế độ", phủ nhận việc can thiệp vào tình hình Hong Kong và khẳng định vấn đề tại đặc khu là công việc nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc các thế lực nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Anh, gây ra tình trạng bất ổn ở đặc khu. Ủy ban Chính Pháp Trung Quốc hôm 13/9 cho rằng phương Tây không thể và cũng không sẵn lòng giải quyết các vấn đề Hong Kong đang phải đối mặt.
Một người tham gia cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong ngày 15/9. Ảnh: AFP. |
Anh cho biết nước này có trách nhiệm pháp lý trong việc đảm bảo Trung Quốc tuân thủ tuyên bố chung 1984. "Tuyên bố chung là một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý giữa Anh và Trung Quốc vẫn còn hiệu lực tới ngày nay như khi nó được ký phê chuẩn cách đây hơn 30 năm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh hồi tháng 6 nói. "Là một bên ký kết, chính phủ Anh sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm của chúng tôi".
Theo tuyên bố chung Trung - Anh, Hong Kong sẽ vẫn được giữ quyền tự chủ cao sau khi Anh trao trả đặc khu về cho Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên, mức độ tự chủ cao mà Bắc Kinh hứa trao cho Hong Kong luôn là chủ đề gây tranh cãi hơn 20 năm qua.
Trung Quốc năm 2014 công bố sách trắng nhấn mạnh Bắc Kinh "có quyền tài phán toàn diện" đối với Hong Kong.
Tháng 11/2014, Phó đại sứ Trung Quốc tại Anh Phó Oánh nói với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh Richard Ottaway rằng tuyên bố chung "giờ đây đã bị vô hiệu hóa và nó chỉ bao gồm khoảng thời gian kể từ thời điểm ký kết năm 1984 đến thời điểm trao trả năm 1997".
Hong Kong rơi vào bất ổn suốt ba tháng qua vì các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, theo đó cho phép Hong Kong đưa nghi phạm tới xét xử ở những khu vực tài phán mà thành phố chưa có hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Trưởng đặc khu Carrie Lam hôm 4/9 thông báo rút hoàn toàn dự luật dẫn độ song những người biểu tình vẫn chưa thỏa mãn vì cho rằng động thái trên là "quá muộn và quá ít". Họ tiếp tục xuống đường nhằm yêu cầu chính quyền đáp ứng 4 yêu cầu còn lại, gồm tổ chức một cuộc điều tra độc lập về biểu tình, tiến hành bầu cử dân chủ hoàn toàn, bỏ thuật ngữ "nổi loạn, bạo loạn" khi mô tả các cuộc biểu tình và thả những người biểu tình bị bắt.
Hai phe biểu tình ở Hong Kong đụng độ |
Người biểu tình Hong Kong đón trung thu trên núi |
Trung Quốc gửi bánh trung thu cho cảnh sát Hong Kong |
Ngày đăng: 15:46 | 15/09/2019
/ vnexpress.net