Cả năm dịch dã, công việc, thu nhập bấp bênh, nhiều lao động quê các tỉnh, thành miền Trung quyết định ở lại Đà Nẵng đón Tết dù trong lòng nặng trĩu nỗi buồn.

Xuân về, Tết đến là dịp để chúng ta quây quần, sum họp bên gia đình nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều công nhân, lao động phải bám trụ lại thành phố.

Ở lại phố bán vé số

Năm nay là cái Tết thứ 2 chị Trần Thị Hồng (trú Đức Phổ, Quảng Ngãi) ở lại Đà Nẵng để bán vé số kiếm thêm thu nhập. Theo chị Hồng, những ngày cận Tết, số ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng tăng cao nên chị hủy ý định về quê đón Tết cùng gia đình dù rất nhớ 2 con nhỏ.

Tôi ra Đà Nẵng bán vé số dạo đã 5 năm nay. Tết năm ngoái vì dịch nên tôi không về quê. Năm nay dự định về đón Tết cùng gia đình nhưng dịch lại bùng phát nên đành ở lại. Tranh thủ những ngày Tết mình đi bán vé số kiếm thêm thu nhập, góp cùng chồng lo cho con cái ăn học”, chị Hồng cho biết.

Ở lại Đà Nẵng, chị Hồng và mấy chị em bán vé số dạo sống cùng dãy trọ tự tổ chức đón Giao thừa dù mọi thứ rất đơn sơ với chỉ vài cái bánh chưng, ít lọ dưa hành. Không có gì nhiều, mấy em mua sắm ít đồ gọi là có Tết, quây quần bên nhau trong đêm Giao thừa cho vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ con.

"Những ngày Tết, nhiều người có tâm lý mua vé số thử vận may đầu năm mới nên bán được, thu nhập gấp đôi, gấp ba ngày thường. Thôi thì vì điều kiện nên đành vậy. Cũng may là chồng thông cảm, chia sẻ với mình, lo Tết nội ngoại ở quê nên yên tâm phần nào”, chị Hồng chia sẻ.

Người bán vé số, công nhân xa quê nặng trĩu ưu tư vì vắng Tết đoàn viên - 1
Liên đoàn Lao động Đà Nẵng tặng quà cho công nhân, lao động không thể về quê đón Tết.

Tương tự, chị Đỗ Thị Hân (trú Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cũng quyết định ở lại Đà Nẵng đón Tết, tranh thủ bán vé số. Tuy nhiên, là năm đầu tiên xa các con, xa gia đình nên chị rất hồi hộp, lo lắng.

Chồng ở nhà làm nông, chăm sóc con cái để tôi theo mấy chị em ra Đà Nẵng bán vé số dạo. Cả năm dịch dã, thành phố giãn cách nên những người bán vé số như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Dự tính về quê đón Tết nhưng dịch bệnh căng thẳng nên tôi ở lại thành phố cùng mấy chị em. Tranh thủ những ngày Tết, chịu khó cũng kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình. Những chị ở gần như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế thì về quê, chúng tôi ở lại được chủ đại lý tặng chút quà đón Tết nên cũng ấm lòng”, chị Hân cho biết.

Công nhân tăng ca Tết

Không chỉ người bán vé số dạo, nhiều công nhân, lao động cũng ở lại Đà Nẵng đón Tết vì nhiều lý do khác nhau.

Chị Mỹ Hạnh (32 tuổi, quê Quảng Bình) làm công nhân tại một nhà máy ở quận Liên Chiểu cho biết, năm nay chị ở lại Đà Nẵng đón Tết vì sự an toàn cho công ty cũng như cho bản thân và gia đình.

Theo chị Hạnh, khu vực chị làm là môi trường kín trong nhà máy, một buổi làm việc có hàng trăm công nhân. Dịch diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều chuỗi lây nhiễm ở các khu công nghiệp nên chị không về quê ăn Tết là sự lựa chọn tốt nhất.

Năm nay tôi quyết định đăng ký tăng ca làm thêm vào dịp Tết để tăng thêm thu nhập còn con và chồng sẽ về quê đón Tết sớm. Mặc dù tôi được xét nghiệm COVID-19 theo định kỳ và có kết quả âm tính nhưng vẫn cảm thấy lo. Ở lại thành phố đón Tết tuy buồn vì xa gia đình, chồng con nhưng tôi phải đặt an toàn lên trên hết”, chị Hạnh chia sẻ.

Năm nay, chị Đặng Thị Hiền (quê Nghệ An, công nhân Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, Hòa Khánh) dù nhớ quê nhưng quyết định ở lại Đà Nẵng. Là mẹ đơn thân, lại đang nuôi nhỏ, điều chị Hiền sợ nhất bây giờ là… dịch. Chị sợ mang dịch về quê, lại càng sợ hơn khi chính mình nhiễm bệnh, phải bỏ làm. Lương hằng tháng của chị Hiền chỉ vừa đủ tiền nhà, tiền sữa cho con. “Nghĩ đến cảnh mất việc, 2 mẹ con đói. Tôi rùng mình, không dám về quê ăn Tết”, chị Hiền xúc động.

Đồng cảnh, chị Võ Thị Thu Hương (quê Thừa Thiên-Huế, công nhân Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Hòa Khánh) cũng phải đón Tết xa nhà. Bên cạnh sức khỏe của gia đình, cái quý nhất của chị Hương giờ là việc làm. Biết dịch COVID-19 ở quê cũng đang diễn biến phức tạp, chị Hương đành xin với ba mẹ để ăn Tết xa quê.

Không thể về quê, chị Hương cùng chủ trọ gói bánh chưng, bánh tét để đón Tết cho vơi nỗi nhớ nhà. Tiền thưởng Tết là 1 tháng lương (gần 5 triệu đồng), chị trích một nửa gửi về cho bố mẹ, số còn lại chị và con chi tiêu.

Người bán vé số, công nhân xa quê nặng trĩu ưu tư vì vắng Tết đoàn viên - 2
Theo thống kê, năm nay có khoảng 1.000 công nhân, lao động tại các khu công nghiệp có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện về quê đón Tết.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng, anh Nguyễn Đặng Tú Anh (25 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông ở Đà Nẵng) rất hạn chế về thăm nhà ở Quảng Bình. Trước đây, một năm anh về quê vài ba lần và Tết thì không thể thiếu. Tuy nhiên, năm nay sẽ là cái Tết đặc biệt vì anh quyết định ở lại Đà Nẵng.

Dịch ở TP Đà Nẵng mỗi ngày ghi nhận gần 1.000 người, số ca cộng đồng chiếm hơn nửa nên mình cũng ngại về quê. Dù Quảng Bình và Đà Nẵng cũng không quá xa nhưng ở lại Đà Nẵng năm nay cũng là để trải nghiệm một cái Tết ở phố xem sao”, anh Anh chia sẻ.

Thống kê của Liên đoàn Lao động Đà Nẵng, thành phố có khoảng 1.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không có đủ điều kiện về quê đón Tết. Với tinh thần “không để một ai không có Tết”, từ ngày 26/1, Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đã chia làm 4 đoàn công tác để đến tận nơi ở của công nhân là các tổ công nhân tự quản, các khu nhà trọ, trao 1.000 suất quà Tết, mỗi suất 500 nghìn đồng.

Ngày đăng: 10:44 | 30/01/2022

/ vtc.vn