Marina Gross, phiên dịch viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, trở thành tâm điểm chú ý khi bị thúc giục công khai nội dung cuộc họp riêng Trump - Putin.

nguo i phu nu duy nha t bie t no i dung cuo c ho p rieng trump putin
Marina Gross (ngoài cùng bên trái) là phiên dịch cho Trump khi ông họp riêng với Putin ở Phần Lan ngày 16/7. Ảnh: Reuters.

Trump và Putin ngày 16/7 họp riêng ở Helsinki, Phần Lan trong hơn hai tiếng chỉ với hai người phiên dịch, không có phụ tá nào cùng tham dự. Sau khi Trump đưa ra những tuyên bố được cho là nhượng bộ Nga trong cuộc họp báo, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã kêu gọi phiên dịch viên của Trump, Marina Gross, ra điều trần trước quốc hội và công khai các ghi chú của bà để biết chính xác hai lãnh đạo đã thảo luận điều gì.

Gross là một phiên dịch viên giàu kinh nghiệm của Văn phòng Ngôn ngữ Bộ Ngoại giao Mỹ, bên cung cấp phiên dịch cho Nhà Trắng. Năm 2008, bà đã đồng hành với đệ nhất phu nhân Laura Bush trong chuyến đến Sochi, Nga để gặp đội vận động viên khuyết tật Nga. Năm ngoái, bà phiên dịch cho ngoại trưởng Mỹ khi đó là Rex Tillerson trong cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Moskva.

Một quan chức Bộ Ngoại giao nói với CNN rằng Gross là một "công chức lâu năm và được kính trọng" còn Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, ca ngợi Gross "vô cùng tuyệt vời" trong một tweet vào ngày 16/7.

Các chuyên gia cho rằng việc yêu cầu phiên dịch viên công khai cuộc trò chuyện riêng giữa các lãnh đạo thế giới là điều chưa có tiền lệ và nguy hiểm. "Chuyện này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Mỹ", Harry Obst, người từng phiên dịch cho 7 tổng thống Mỹ, nhận xét. "Và nếu nó chưa từng xảy ra trong hơn 200 năm thì hiển nhiên là có lý do đúng đắn để không làm vậy".

"Có thể việc yêu cầu phiên dịch viên tiết lộ nội dung cuộc họp là chưa có tiền lệ, nhưng hành động của Trump cũng chưa có tiền lệ trên phương diện gây hại cho an ninh quốc gia", Bill Pascrell, nghị sĩ New Jersey, phản pháo, theo USA Today.

Pascrell cho rằng công chúng Mỹ xứng đáng được biết liệu Trump có nhượng bộ, tiết lộ bí mật an ninh quốc gia hay cố gắng kiếm lợi từ vị trí tổng thống hay không. Ông nhấn mạnh rằng nếu Gross không đồng ý tự nguyện ra điều trần thì bà nên bị ép buộc làm vậy.

"Cách duy nhất để trả lời những câu hỏi này là ép phiên dịch viên ra điều trần", ông viết.

Giống như bác sĩ hay linh mục, phiên dịch viên bị ràng buộc bởi quy tắc đạo đức rằng họ phải giữ kín những thông tin mật họ được biết trong quá trình làm việc, Stephanie van Reigersberg, người từng là phiên dịch viên cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong 32 năm, nói.

Judy Jenner, người phát ngôn của Hiệp hội dịch thuật Mỹ, cho rằng việc ép phiên dịch viên tiết lộ thông tin mật có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc của người đó. "Mọi người cần phải được đảm bảo rằng những gì phiên dịch nghe được sẽ không bị tiết lộ ra bên ngoài", Jenner nói. "Nếu không, chúng ta sẽ mất uy tín".

Trước các cuộc họp quan trọng, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan khác của Mỹ thường gửi cho phiên dịch viên một loạt tài liệu cung cấp kiến thức về các chủ đề sẽ được thảo luận. Obst nói rằng số tài liệu tóm tắt này có thể lên tới 200 trang nhưng "phiên dịch viên đọc tất cả từ đầu đến cuối". Ông cho biết trong một số trường hợp, phiên dịch viên có thể còn am hiểu chủ đề tốt hơn tổng thống.

"Tôi nghĩ rằng các nghị sĩ nên để phiên dịch viên yên", Obst nói. "Công việc của họ đã đủ khó rồi. Họ còn phải mang theo tất cả bí mật đến hết đời. Cố gắng moi móc thông tin từ phiên dịch viên là điều không được làm".

Thượng nghị sĩ Jeff Flake nói rằng ông không ủng hộ việc ép Gross ra điều trần nhưng ông đồng ý với yêu cầu xem ghi chép của bà. Tuy nhiên, van Reigersberg cho rằng các nghị sĩ nhiều khả năng sẽ thất vọng.

Ghi chép của phiên dịch viên không phải là bản ghi chính xác những gì được nói trong cuộc họp. Mục đích của chúng chỉ là để họ ghi nhớ lời nói nhằm dịch cho chuẩn. Chúng thường bao gồm các dòng tốc ký nguệch ngoạc và biểu tượng mà người ngoài nhìn vào có thể không hiểu.

Van Reigersberg kể rằng trong một lần làm việc cho Tổng thống Ronald Reagan, ông yêu cầu xem ghi chép của bà. Reagan đã cười lớn và cho những người khác trong phòng xem cuốn sổ. "Ông ấy thấy nó buồn cười vì chẳng ai hiểu những dòng đó ngoài tôi", bà kể.

"Tôi lấy làm buồn cho Marina vì cô ấy phải trải qua chuyện này", van Reigersberg nói thêm.

Phương Vũ

nguo i phu nu duy nha t bie t no i dung cuo c ho p rieng trump putin Chưa hết sóng gió, Trump mời Putin đến Nhà Trắng cho thượng đỉnh lần 2

Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Donald Trump đã mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin có chuyến thăm chính thức đến Washington vào mùa ...

nguo i phu nu duy nha t bie t no i dung cuo c ho p rieng trump putin Washington nổi sóng hậu Thượng đỉnh Trump – Putin

Khi mà Tổng thống Vladimir Putin có thể hài lòng về những gì đã đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan) ...

Ngày đăng: 13:57 | 20/07/2018

/ VnExpress