Tôi lớn lên ở một trang trại nuôi ngựa.
Năm tuổi, tôi đã cưỡi ngựa thành thạo. Khi đủ lớn tôi có nhiệm vụ đào tạo ngựa, dạy chúng đua và biết nghe lời người sẽ mua chúng. Tôi đã tiếp xúc biết bao con ngựa, từ hiền lành đến hung dữ. Chúng đa dạng tính cách chẳng khác gì con người.
Xe máy và ngựa có nhiều điểm tương đồng: tốc độ của chúng nhanh hơn nhiều so với đôi chân của loài người. Tuy nhiên, với xe máy ta có thể đi bất cứ phương hướng nào ta muốn. Ngựa thì không. Nếu con ngựa muốn rẽ trái, ta bắt buộc phải rẽ cùng.
Nhiều người nói cưỡi ngựa là một môn thể thao nguy hiểm, liều mạng.
Nhưng tới Việt Nam rồi, tôi mới thấy cưỡi ngựa chẳng nhằm nhò gì so với chạy xe máy.
Lúc chưa chạy thử xe máy tôi còn rất hào hứng. Vì nhìn ngoài đường người ta đi đông đúc, nhộn nhịp trông vui quá, chưa kể việc luật giao thông ở đây không gắt gao như Canada quê tôi. Tôi đã quyết định một là phải có chiếc xe máy thật ngầu; hoặc khỏi cần chiếc nào cả.
Có lần vô tình tôi nhìn thấy chiếc mô tô siêu ngầu, hợp ý tôi ở tiệm bán xe kia. Tôi mừng mừng tủi tủi. Vấn đề là không có tiệm nào khác bán chiếc đó nữa, nhưng hầu bao tôi lại không đủ trả. Cứ cách vài tuần tôi lại đến thăm chiếc xe và đêm nào cũng cầu nguyện rằng đừng ai mua nó. Trong sáu tháng trời tôi điên cuồng lao đầu vào công việc. Một ngày, con số trong tài khoản cũng chạm mốc giá xe.
Tôi yêu nó như đứa con đứt ruột đẻ ra. Chúng tôi cùng nhau thăm khắp chốn Việt Nam, từ Hà Nội tới Sài Gòn, xuống tận Cà Mau, vượt núi ở Đắk Lắk, đến Nha Trang, Mũi Né,… Dù xe không thể nói chuyện nhưng tôi biết chắc nó chính là gia đình của mình.
Ba năm trước, trên đường phượt từ Hà Nội về Sài Gòn tôi gặp tai nạn khi vừa đặt chân tới Huế. Một người đàn ông say rượu chạy xe vào làn đường ngược chiều. Mặc dù tôi không bị thương nặng, nhưng chiếc xe sau đó cứ phải sửa đi sửa lại liên tục.
Sau năm năm gắn bó cũng đã tới thời xe máy phải nghỉ hưu. Tôi thấy như mất đi người bạn thân thiết nhất.
Sau thời gian dài đắn đo tôi quyết định mua một chiếc xe đạp. Trước khi đến Việt Nam, tôi từng có một khoảng thời gian sống ở Nhật Bản. Ở Nhật rất hiếm người đi xe máy. Đa số người dân đều chọn xe buýt, metro hoặc xe đạp. Tôi vẫn có cảm giác vui sướng mỗi khi nhớ về những con đường chỉ toàn là xe đạp. Không ồn ào, không khói bụi, không ai chen lấn nhau. Tất cả mọi người có cùng một địa vị.
Sau một tháng đạp xe tôi thấy sức khỏe của mình thậm chí còn tốt hơn trước. Như một ông già trở lại làm thằng nhóc hai mươi lần nữa. Ngay cả tôi còn thấy khó tin.
Có lẽ lí do chủ yếu là vì tôi chỉ đạp xe những quãng đường ngắn. Nếu gặp nơi đông đúc hoặc kẹt xe, tôi xuống dẫn bộ, đến khúc vắng mới leo lên chạy tiếp. Đây tình cờ là cách lí tưởng nhất để tập thể dục mà vẫn tiết kiệm thời gian.
Cái nào cũng có mặt bất lợi của nó, ước tính từ nhà tôi đến chỗ làm là khoảng 25 km, thế nên việc chạy xe mỗi ngày cứ như một cực hình. Khó khăn hơn là các xe khác trên đường có vẻ như rất khinh xe đạp. Họ chèn ép, họ đẩy tôi vô trong lề. Tìm chỗ giữ xe đạp cũng khó hơn nhiều. Nhiều người quen cũng rất bất ngờ khi nghe tin tôi chạy xe đạp đi làm. Họ bảo tôi “đừng đi xe đó nữa, nắng nôi, cực khổ lắm”. Phải chăng nhiều người Việt còn định kiến cứ đi xe đạp có nghĩa là nghèo?
Đi làm bằng xe đạp chính là cách tận dụng thời gian hiệu quả, vừa đến được chỗ làm, vừa giảm được calo. Tôi thấy rất nghịch lí khi nhiều người sẵn sàng bỏ tiền cho các phòng gym trong khi họ không nghĩ đến phương án tối ưu hơn là đạp xe. Rồi cả những bài báo, nghiên cứu nói rằng đạp xe không thật sự tốt, đạp xe làm yếu sinh lí. Cứ như chuyện thần thoại, dành cho kẻ cả tin.
Chân là nơi tập trung nhiều cơ bắp nhất. Vận động nhiều ở chân giúp sản sinh một lượng lớn hormone testosterone, nên sẽ rất có lợi cho nam giới.
Không thể phủ nhận rằng lái xe ở Việt Nam thật sự rất có hại cho thần kinh, nhất là cho người bị bệnh tim. Con người là sinh vật dễ bị ảnh hưởng. Chúng ta thường có xu hướng chạy cùng một tốc độ với những người xung quanh. Nhưng, chỉ cần kẹt xe và một người chen ngang, leo lên hè, ngay lập tức hàng trăm người còn lại làm theo.
Những kẻ đạp xe mon men ngoài lề như tôi tất nhiên là không đủ tiêu chuẩn tham gia cuộc chiến đó. Tôi quen với việc nhìn mọi người chạy trước mình nhưng không buồn chút nào. Không cần phải gắng luồn lách qua đám đông, không cần bực mình vì tên ất ơ nào đấy bỗng chen ngang hàng, không cần tốn hơi cãi lộn với mấy chiếc taxi vô duyên chen vào làn xe máy.
Chỉ mình tôi với tôi một cõi, cứ đạp thật chậm và nhìn thế giới đi vội vàng.
(Bài được tác giả viết bằng tiếng Việt)
Chủ động với BOT giao thông Thời gian qua, những vụ việc đáng tiếc xảy ra tại một số trạm thu phí BOT giao thông đã tạo ra sự quan ngại ... |
Chi gần 14.000 tỷ, người Sài Gòn vẫn chưa thoát được kẹt xe, ngập nước Dù UBND TP.HCM đã chi gần 14.000 tỷ đồng để giảm ùn tắc giao thông và ngập nước nhưng cử tri phản ánh tình trạng ... |
Ngày đăng: 08:20 | 08/12/2017
/ Jesse Peterson/VnExpress