Năm 2001, tôi học về Computer Assisted Language Learning (CALL, dạy học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của máy tính) tại Úc. Về nước và làm việc tại trung tâm Truyền thông đa phương tiện của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi được đề nghị nói chuyện và viết tham luận về vấn đề này.
Năm 2001, tôi học về Computer Assisted Language Learning (CALL, dạy học ngoại ngữ với sự hỗ trợ của máy tính) tại Úc. Về nước và làm việc tại trung tâm Truyền thông đa phương tiện của Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi được đề nghị nói chuyện và viết tham luận về vấn đề này.
Háo hức và đầy nhiệt huyết, tôi cứ tưởng những gì mình đưa ra được đón nhận. Nhưng tôi đã sốc. Sếp của tôi, vốn là giáo viên tiếng Pháp, khó chịu ra mặt vì tôi "trộn" tiếng Anh vào trong bài viết và bài nói chuyện của mình. Ông phê bình tôi bằng những từ nặng lời như "lai căng", "thích thể hiện", "khoe học ở Tây về".
Tôi sốc vì không một tính từ nào ông miêu tả đúng tinh thần của tôi. Tôi dùng các từ đó vì không tìm được các từ trong tiếng Việt có nghĩa hoặc hàm ngôn tương đương. Tôi mang ấm ức chia sẻ với các anh kỹ sư công nghệ thường lui tới trung tâm tôi làm việc. Các anh công nhận là có một số từ tiếng Anh về công nghệ thông tin được ưa chuộng và dùng phổ biến ở Việt Nam như chat, internet, log in, log out, connection... tuy nhiên, đa phần các từ này và các từ tiếng Anh tôi dùng đều có từ tương đương trong tiếng Việt. Ở thời điểm đó, tôi không đồng tình vì thấy các từ tiếng Việt tương đương họ đưa ra không diễn tả được trọn ý mình.
Dần dà, ở Việt Nam lâu hơn, tôi cảm thấy thoải mái hơn với các từ trước đây tôi không biết hoặc không thích sử dụng: kích hoạt tài khoản, đăng nhập, giao diện... Cũng từ đó tôi quan sát và thấy rằng xu hướng chèn tiếng Anh trong giao tiếp ngày càng phổ biến trong giới trẻ, kể cả khi người nói không thạo ngoại ngữ này. Tiếng Anh đôi khi được chèn vào như một thứ "mốt giao tiếp" để sành điệu. Tôi đã bật cười nhiều lần khi nghe mãi mà không luận ra các bạn trẻ nói gì. Lúc đó tôi đã hiểu vì sao ông sếp nói tôi "lai căng" và "thích thể hiện".
Tôi bắt gặp khá nhiều người có "bệnh" này, nhẹ thì nói tiếng Việt kèm ngoại ngữ vì không tìm được từ tương đương, nặng thì dù nghe tiếng Việt vẫn hiểu nhưng khó thể hiện hoặc không nói được bằng tiếng Việt. Tôi gọi đây là bệnh "ngọng tiếng mẹ đẻ".
Ngọng tiếng mẹ đẻ cũng là vấn đề xảy ra với rất nhiều trẻ em người Việt ở nước ngoài. Trẻ có thể được sinh ra ở Việt Nam, nói sõi tiếng Việt trước khi ra nước ngoài sống, nhưng do quá trình tiếp xúc ở trường học và ngoài xã hội, rất hiếm nhu cầu sử dụng tiếng Việt. Hơn nữa, tiếng Việt được coi là tiếng của dân tộc thiểu số (minority group) - không được trọng thị trong cộng đồng, nhiều trẻ chỉ thích nói ngôn ngữ bản địa để dễ hòa nhập. Nếu bố mẹ không kiên trì giúp con duy trì tiếng Việt ở nhà, con sẽ dần dà chỉ muốn giao tiếp bằng ngôn ngữ thân quen nhất.
Tôi từng chứng kiến những màn nói chuyện giữa bạn bè tôi và con cái họ ở Đức và Úc. Bố mẹ nói tiếng Việt, con nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Anh bạn tôi có lúc phát điên vì động viên con thế nào cháu cũng không chịu nói tiếng Việt trong khi vốn tiếng Đức của anh có hạn, không hiểu hết con nói gì. Nhiều lúc bố con to tiếng.
Nhưng vấn đề không còn chỉ là của trẻ Việt ở nước ngoài mà xảy ra với rất nhiều trẻ em trong nước. Đáng nói hơn, cái sự ngọng ấy đôi lúc phải trả bằng rất nhiều tiền và công sức. Nhiều gia đình đã tạo môi trường ngoại ngữ cho con mình rất sớm. Trẻ được đầu tư học trường quốc tế với thầy cô nước ngoài từ tuổi mầm non, với một kỳ vọng rất chính đáng: để con giỏi ngoại ngữ. Kỳ vọng đó song hành với quan niệm rằng trẻ học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, hay trẻ biết ngoại ngữ thường có tư duy sắc bén và thông minh.
Chưa có một công trình nào phủ nhận việc trẻ biết đa ngôn ngữ thường có tư duy tốt. Nhưng có nhiều nghiên cứu khuyến cáo nên để trẻ thành thạo tiếng mẹ đẻ trước khi học một ngôn ngữ mới, tránh hiện tượng "song ngữ nửa vời" (double semi-lingualism) hay "trộn ngôn" (code mixing).
Hiện tượng "song ngữ nửa vời" được Hansegard đưa ra năm 1960 và được các nhà ngôn ngữ học như Scovel, Skutnabb-Kangas-Toukomaa, Cummins hay Hamers-Blanc sử dụng rộng rãi để mô tả tình trạng tiếng mẹ đẻ chưa thạo mà ngoại ngữ cũng không thông của những đứa trẻ nhập cư. "Trộn ngôn" là khái niệm trong ngành ứng dụng ngôn ngữ, chỉ việc trộn lẫn giữa hai hay nhiều ngôn ngữ trong giao tiếp, thường được những người song ngữ (bilinguals) sử dụng. Trộn ngôn là hiện tượng khá phổ biến và dễ dàng được chấp nhận trong giao tiếp giữa những người cùng biết các ngôn ngữ đó, nhưng lại không phù hợp khi người biết song ngữ giao tiếp với người đơn ngữ (monolinguals).
Hơn nữa, học ngoại ngữ là học văn hóa. Khi các chuẩn mực văn hóa tây - ta bị lẫn lộn, hiệu quả giao tiếp sẽ bị hạn chế. Đã có nhiều ông bố bà mẹ chuyển con khỏi trường quốc tế vì cháu gặp ai cũng chỉ chào "hello", gặp ông bà không chịu khoanh tay hay cúi đầu tỏ thái độ lễ phép, bố mẹ nói không vừa ý là không nghe.
Trong đời thường, chêm ngoại ngữ vào tiếng Việt không phải hiện tượng lạ. Song cô gái chèn tiếng Việt trên truyền hình bị chỉ trích có lẽ nằm ở văn hóa nói chuyện trước công chúng, khi người xem không phải ai cũng biết hoặc chấp nhận việc dùng ngoại ngữ tùy tiện trên truyền thông.
Suy cho cùng, ngôn ngữ là để phục vụ mục đích giao tiếp. Mục đích đạt được hay không không chỉ phụ thuộc vào việc bạn nói cái gì, mà phần nhiều, nó do sự nhạy cảm trong giao tiếp của bạn. Và dù bạn nói bằng tiếng gì, nếu chúng không được đặt trong một chuẩn mực văn hóa phù hợp, hiệu quả giao tiếp cũng không cao.
Trần Thị Tuyết
Ngày đăng: 17:34 | 28/07/2019
/ vnexpress.net