Mặc dù tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức được TP Hồ Chí Minh đưa vào khai thác từ ngày 22/12/2024, nhưng thông tin về tình hình triển khai thực hiện dự án tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vào ngày 5/2 vừa qua, ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị (BQL ĐSĐT) thành phố cho biết, các dự án vẫn ngổn ngang…

Với tuyến Metro số 1, hiện BQL ĐSĐT vẫn đang tiếp tục giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến nhà thầu, đồng thời đôn đốc nhà thầu hoàn thiện các hạng mục cảnh quan tại nhà ga, trạm biến áp và cầu bộ hành để đảm bảo mỹ quan đô thị, đồng thời phối hợp với đơn vị khai thác tuyến là Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 và nhà thầu sửa chữa khiếm khuyết, khắc phục các vấn đề liên quan đến vận hành và tiếp tục thực hiện thủ tục đặt hàng quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng tuyến Metro số 1. 

Đến hết tháng 1 vừa qua, chưa kể khoản chi phí giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện, thì tỷ lệ giải ngân của dự án mới chỉ đạt hơn 31374 tỷ đồng, tương ứng 71,7% tổng mức đầu tư. Năm ngoái, dự án này được bố trí số vốn là 4.467 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 1 này tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm chỉ đạt hơn 52%.

Ngổn ngang các Dự án Metro -0
Đoàn tàu của tuyến Metro số 1 tại một nhà ga.

Đối với tuyến Metro số 2, đến nay chỉ còn 1 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, nhưng gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh, biển báo, chiếu sáng, viễn thông cũng phải đến cuối quý 2 tới mới có thể hoàn tất. Với tổng số 8 gói thầu xây lắp, đến nay mới chỉ có gói thầu tòa nhà văn phòng Depot Tham Lương được hoàn thành.

Về giải ngân vốn đầu tư, tuyến Metro số 2 có tổng mức đầu tư lên tới 47.890 tỷ đồng, nhưng từ khi dự án được phê duyệt đến nay, chưa tính số tiền chi phí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, số tiền giải ngân cho dự án mới chỉ đạt 1.588 tỷ đồng. Năm 2024, dù dự án chỉ được giao 350 tỷ đồng, thì đến cuối tháng 1 vừa qua tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm cũng chỉ đạt 42%.

Ngày 16/1 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho dự án metro số 2. Trước đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã thống nhất chuyển đổi phương án đầu tư tuyến Metro số 2 từ nguồn vốn vay của nước ngoài sang sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Ngổn ngang Dự án Metro số 2 -0
Cây xăng nằm trên hành lang thi công tuyến Metro số 2 chưa được di dời.

Tuy nhiên, sau khi được giao đề xuất giải pháp huy động vốn để đầu tư cho tuyến Metro số 2, ngày 9/12/2024 vừa qua ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) cho rằng, trong giai đoạn 2026-2030 thành phố cần phải bố trí được 28,8 đến 29,8 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 cần khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng.

Để bố trí vốn cho dự án, giai đoạn 2026-2030 sẽ có gần 30,7 nghìn tỷ đồng được huy động từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) nhằm thay thế cho nguồn vốn vay từ nước ngoài. Ông Thanh cho rằng, việc bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu có thể tạm yên tâm, nhưng giai đoạn sau thành phố sẽ phải rà soát các nguồn thu ngân sách dùng bố trí cho kế hoạch đầu tư công của giai đoạn này để tính toán nguồn vốn vay bổ sung nếu cần với hình thức phù hợp.

Mặt khác, các đợt phát hành trái phiếu CQĐP trước đây của thành phố chủ yếu được thực hiện theo phương thức “bảo lãnh phát hành” do khối lượng phát hành mỗi năm không nhiều, chỉ ở mức 2 - 3 nghìn tỷ đồng/năm. Trong vòng 10 năm, từ 2010 đến năm 2020, tổng giá trị trái phiếu CQĐP được TP Hồ Chí Minh phát hành chỉ là 20,1 nghìn tỷ đồng. Nay nếu chỉ trong thời gian ngắn cần phát hành số lượng lớn như vậy trong bối cảnh thị trường trái phiếu có sự tham gia huy động vốn của nhiều chủ thể phát hành cũng là điều không đơn giản. Thành phố còn phải đáp ứng các điều kiện khác như tổng dư nợ vay, về mức bội chi ngân sách… mới có thể được phát hành.

Sau hơn chục năm được phê duyệt, Dự án Metro số 2 vẫn đang ngổn ngang. Dự án có sẵn tiền nhưng vẫn bị kéo dài thời gian hoàn thành nhiều năm dẫn đến tình trạng đội vốn rất lớn, gây lãng phí ngân sách, khiến hạ tầng luôn đi sau sự phát triển. Câu hỏi đặt ra là TP Hồ Chí Minh sẽ làm gì để chấm dứt tình trạng dự án chậm tiến độ, đội vốn này?   

Ngày đăng: 17:28 | 10/02/2025

Bảo Sơn / CAND