Chúng ta nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình cho các trường đại học để thực hiện được chủ trương của Đảng, nhà nước, Chính phủ về vấn đề này.

Tự chủ đại học là một chủ trương lớn được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng và Nhà nước. 

Đặc biệt, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019 được xây dựng trên tinh thần xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước.

Như vậy có thể khẳng định tự chủ đại học sẽ là điểm bản lề giữ vai trò mấu chốt trong cải cách và phát triển giáo dục đại học của nước ta trong thời gian tới.

Thậm chí, mới đây, ngày 9/12, khi tới dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt-Pháp), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trước đây các trường đại học ở Việt Nam là những đơn vị sự nghiệp trực thuộc các bộ ngành, các tỉnh, gần như được quản trị một nửa giống cơ quan hành chính. 

Đến nay những mô hình quản trị ban đầu như Đại học Việt-Pháp, Đại học Việt-Đức và một số trường đại học khác như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… đã mở ra cách nhìn nhận mới của các cơ quan nhà nước, toàn xã hội về sự cần thiết, không thể thiếu được của tự chủ đại học. 

Không chỉ giảm bớt sự can thiệp mang tính hành chính từ cơ quan chủ quản vào môi trường đào tạo, nghiên cứu, mà đổi mới cả cơ chế quản lý trong trường đại học, đưa tinh thần tự chủ xuống từng khoa, bộ môn, giảng viên và sinh viên.

Gắn với tự chủ, các trường đại học ở Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, để không chỉ là nơi truyền thụ tri thức mà còn sáng tạo ra tri thức. Trong khi trước đây, phần lớn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nằm ở các viện nghiên cứu công lập, các trường đại học ít quan tâm, không có nhiều điều kiện trở thành những trung tâm nghiên cứu của đất nước. Cũng theo Phó Thủ tướng, đến nay, không chỉ có mấy chục trường đại học ở Việt Nam tiếp tục thực hiện tự chủ, mà tinh thần tự chủ đại học đã được luật hoá trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.

 “Số lượng các công bố nghiên cứu khoa học quốc tế của Việt Nam trong những năm gần đây tăng rất nhanh. Từ chỗ chỉ có một vài phần trăm các công trình nghiên cứu được đăng trên những tạp chí có uy tín quốc tế là của các trường đại học, thì 3 năm qua tỷ lệ này lên tới 80%. 

Đáng chú ý, bên cạnh những trường đại hoc lớn đã có một số trường đại học còn rất mới, quy mô chưa lớn nhưng đã có nhiều công bố quốc tế được cộng đồng khoa học đánh giá cao như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân, Đại học Việt-Pháp”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Phó Thủ tướng cho rằng, vươn lên đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là một mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam, vì vậy, càng cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Mỗi trường đại học không của riêng địa phương nào, cơ quan nào, thậm chí là của riêng đất nước nào mà đây là nơi làm ra tri thức, đưa những tri thức đó vào thay đổi cuộc sống.

Chủ trương, định hướng rõ ràng là vậy, thời điểm triển khai tự chủ đại học cũng đã có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua với các thử nghiệm và xây dựng hành lang pháp lý nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn khi thực hiện tự chủ.

Một trong vướng mắc lớn đó là hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước chưa được đồng bộ. Ví dụ như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… chưa phù hợp với nội dung Chính phủ cho phép trường tự chủ.

Ngoài ra, con đường tiến tới tự chủ của các trường không bằng phẳng và đơn giản bởi dù các cấp cao nhất đều đã thúc đẩy chủ trương tự chủ đại học nhưng đang bị “ngáng chân” ở cấp trung gian khiến các trường gặp khó khăn trong quá trình triển khai. 

Liên quan đến những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Luật là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất mà Luật đã định rồi thì các văn bản dưới Luật không thể trái được”.

Trong khi trước đó như thông tin Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14. 

Trước việc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang vô hiệu hóa chủ trương, pháp luật về tự chủ đại học, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa) khẳng định rằng: 

“Đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, quá trình tự chủ tốt trên các lĩnh vực tài chính, tổ chức nhân sự, đào tạo và học thuật… đã đưa nhà trường phát triển vượt bậc và được các tổ chức trong nước và quốc tế công nhận, đánh giá, xếp hạng cao.

Về quan điểm chung, chúng ta nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình cho các trường đại học để thực hiện được chủ trương của Đảng, nhà nước, Chính phủ về vấn đề này”. 

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ (đoàn Khánh Hòa), Chúng ta nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình cho các trường đại học để thực hiện được chủ trương của Đảng, nhà nước, Chính phủ về vấn đề này. (Ảnh: VOV)

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ cũng nói thêm rằng hoạt động giáo dục là một công tác khó khăn và phức tạp, liên quan đến con người, ngân sách và các lĩnh vực khác trong xã hội; đây là những vấn đề mà các nhà trường và cơ sở giáo dục khác luôn quan tâm, đầu tư công sức giải quyết để làm sao cho các hoạt động giáo dục, dạy-học và nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt nhất. 

Quốc hội đã ban hành Luật giáo dục năm 2019 (Luật số 43/2019/QH14) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), trên cơ sở nội dung của hai lụât này Đại biểu Quốc hội Lê Tuấn Tứ nhận thấy hoạt động giáo dục nói chung hiện nay rất thuận lợi; hành lang pháp lý và điều kiện cho các nhà trường và cơ sở giáo dục năng động, chủ động phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát huy cao độ nhân tố con người trong điều kiện kinh thế thị trường và hội nhập quốc tế…

Tổng liên đoàn đang vô hiệu hóa chủ trương, pháp luật về tự chủ đại học?

Nói về Hội đồng trường và nhân sự của ban giám hiệu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói riêng và các trường đại học công lập nói chung, tại điều 55/ Luật 43 và tại điều 16/ Luật 34 đã quy định cụ thể. 

Theo đó, Đại biểu Lê Tuấn Tứ chỉ rõ, thành viên hội đồng trường của trường đại học công lâp bao gồm thành viên đương nhiên và thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học; hội đồng trường có quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học…

Đồng thời tại mục 8 điều 16 của Luật 34 đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết về quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; việc công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường… 

“Như vậy, ngoài Chính phủ thì không cơ quan, tổ chức nào khác có quyền hướng dẫn nội dung này”, vị này nhấn mạnh. 

Thùy Linh  12/12/2019

Tám trường đại học Việt Nam lọt vào top 500 trường xuất sắc nhất

Trong bảng xếp hạng QS Asia 2019-2020 với gần 600 cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu châu Á, Việt Nam đã có kết quả ...

Trường Đại học chế tạo hệ thống huấn luyện hồi sức tim phổi bằng 3D và IoT

 Sản phẩm được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ mô phỏng thực tế ảo 3D và IoT với các cảm biến ...

Trường đại học cần được tham gia quá trình xây dựng luật

Trường đại học cần đươc tham gia quá trình xây dựng luật

 

Ngày đăng: 09:00 | 12/12/2019

/ giaoduc.net.vn