Thế giới có thêm 193 triệu người bị đe dọa thiếu lương thực và gần 40 triệu người lâm vào cảnh nghèo đói. Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đầu tháng 5-2022 cho thấy tình hình còn có thể nghiêm trọng hơn do xung đột Nga-Ukraine làm tê liệt hai “vựa lương thực” của nhân loại. Một số chuyên gia lo ngại thế giới sắp bước vào một cuộc khủng hoảng lương thực quy mô lớn.

Nghịch lý…

Xung đột Nga-Ukraine đe dọa an ninh lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi hai bên tham chiến là nguồn xuất khẩu 30% lúa mỳ, 20% ngô và lúa mạch, cung cấp đến 80% dầu ăn cho thế giới. Nếu như Ukraine được mệnh danh là “kho lương thực của châu Âu”, thì Nga là “ông vua” trong ngành phân bón. Cuộc xung đột tác động đến cả Brazil, nơi mà các nhà sản xuất đang lo thiếu phân bón cho các vụ cấy trồng năm nay.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng kinh tế và Thông tin quốc tế (CEPII) của Pháp, với hơn 41 triệu hecta đất canh tác, Ukraine là một trong 5 nhà sản xuất, xuất khẩu của thế giới và 75% thu hoạch lúa mỳ hàng năm của nước này là dành cho xuất khẩu. Với hơn 44 triệu dân, một mình Ukraine đủ sức nuôi sống đến 2 tỷ người, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu lúa mạch toàn cầu, 16% về ngô và 18% thị phần về dầu hoa cải vàng colza. Một nửa dầu hoa hướng dương tiêu thụ trên thế giới xuất xứ từ Ukraine. Dễ hiểu là nếu như chiến tranh cướp đi 1/3 sản lượng của Ukraine, thì chẳng những dân Ukraine lâm vào đói kém mà còn kéo theo cả một phần dân số thế giới.

Nghịch lý đe dọa an ninh lương thực toàn cầu -0
Thế giới đang cần duy trì xuất khẩu lương thực hơn bao giờ hết.

Nhà kinh tế Marine Raffray, chuyên nghiên cứu về thị trường lương thực, thực phẩm thuộc Phòng Nông nghiệp Pháp, đã phác họa ra một viễn cảnh không mấy khả quan: “FAO nêu bật những dự báo rất đáng lo ngại, đó là giá lương thực, thực phẩm có thể tăng từ 8-20% do tác động xung đột giữa Nga và Ukraine gây nên... Bên cạnh đó, giá phân bón cũng đã tăng rất cao trong thời gian gần đây, mà để trồng trọt thì các nhà nông cần mua phân bón. Phân bón đã tăng giá gấp 3 lần so với trước chiến tranh Ukraine”.

Thế giới đang đứng trước một nghịch lý: Vì chiến sự, hàng chục triệu tấn nông sản bị kẹt ở Biển Đen, trong lúc một phần dân số thế giới không được đáp ứng đủ nhu cầu lương thực theo ngày. Bà Marine Raffray nhấn mạnh đến khâu chuyên chở để ngũ cốc và dầu ăn của Ukraine đến được tay người tiêu dùng: “Hiện tại, các hải cảng của Ukraine, cửa ngõ xuất khẩu ngũ cốc của nước này, đã ngưng hoạt động vì các cuộc giao tranh... Về phía Nga, các bến cảng không bị tàn phá, nhưng hoạt động bị gián đoạn vì những bất ổn mang tính quân sự tại Biển Đen. Lúa mỳ, ngũ cốc của Nga không thể đến tay khách hàng. Những quốc gia bị thiệt hại nhất gồm các nước trong vùng Bắc Phi, Trung Đông, đặc biệt là trường hợp của Ai Cập”.

… tháo chạy khỏi thị trường xuất khẩu

Để đề phòng bị cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm hay mất khả năng thanh toán bằng đồng USD và euro, ngày 15-3, Điện Kremlin ra lệnh ngừng xuất khẩu ngũ cốc cho 4 nước láng giềng lân cận là Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Đó là dấu hiệu cho thấy Moskva lo ngại thiếu hụt lương thực cho nhu cầu nội địa và khủng hoảng lương thực đe dọa chính bản thân nước Nga. Dù vậy, tình hình nguy cấp nhất lại đang diễn ra bên ngoài lãnh thổ Nga. Đối với một phần dân số thế giới, bài toán khó là làm thế nào để bảo đảm lương thực theo ngày khi mà giá nhu yếu phẩm thiết thực nhất như lúa mỳ tăng 30% trong vòng một năm, giá dầu ăn là 23%, chưa kể đường, sữa... Tại kỳ họp mùa Xuân 2022, Ngân hàng Thế giới (WB) báo động nếu giá lương thực tăng 30%, thì số người thiếu đói tại Ai Cập tăng thêm 12%.

Vào lúc thị trường nông sản thế giới rất căng thẳng, thì Ấn Độ và Indonesia lại quyết định tạm ngừng xuất khẩu, thu hẹp thêm mức cung so với cầu. Tháng trước, Jakarta cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm đẩy lùi lạm phát trong nước.

Là nguồn sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chiếm đến 60% thị trường quốc tế, nhưng Indonesia lại nhập khẩu đến 100% lúa mỳ và 50% vào đậu tương, nhập khẩu đến 60% nhu cầu về năng lượng hóa thạch. Cán cân thương mại của quốc gia Đông Nam Á này không ngừng sa sút, dự trữ ngoại tệ hao mòn trong lúc lạm phát gia tăng, bất mãn trong xã hội do đó tăng theo. Điều đó phản ánh qua việc Tổng thống Joko Widodo mất hơn 15% tín nhiệm trong chưa đầy 2 tháng. Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi có cùng mối lo này. Cuối tuần trước, New Dehli bất ngờ thông báo ngừng xuất khẩu lúa mỳ. Thế giới sẽ mất đi thêm một nguồn cung lương thực từ 7-10 triệu tấn trong năm nay.

Cần cách tiếp cận đầy đủ

Trước tình hình này, Liên hiệp quốc đề nghị các nước không dừng xuất khẩu ngũ cốc, đồng thời cảnh báo nguy cơ 2 tỷ người rơi vào thiếu đói nếu thị trường xuất khẩu lương thực vẫn ảm đạm như hiện nay. Ngày 18-5, Tổng thư ký Liên hiệp quốc  Antonio Guterres đã kêu gọi cho phép tiếp cận đầy đủ và không bị cản trở đối với thực phẩm và phân bón của Nga tại các thị trường trên thế giới. Ngoài ra, ông Guterres cũng bày tỏ hy vọng đạt được các thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Ông Guterres  giải thích rằng “không thể có giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng lương thực nếu không có sự tái hội nhập thị trường thế giới các sản phẩm của Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón do Nga và Belarus sản xuất. Hồi cuối tháng 3, ông Guterres cảnh báo rằng cuộc xung đột Ukraine đe dọa cả thế giới với nguy cơ nạn đói toàn cầu.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm việc với Liên hiệp quốc nhằm đảm bảo các tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi lại an toàn. Tuyên bố được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra tại một hội nghị cấp bộ trưởng về an ninh lương thực do Mỹ tổ chức. Người đứng đầu ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm rằng các bên đang thành lập một nhóm liên lạc về các vấn đề nhân đạo. Ông nói: “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến kịp thời của Italy về việc tổ chức Đối thoại Địa Trung Hải về cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và chúng tôi sẽ đồng chủ trì sự kiện này”.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/nghich-ly-de-doa-an-ninh-luong-thuc-toan-cau-i654662/

Ngày đăng: 19:31 | 23/05/2022

Mạnh Tuân / Công an nhân dân