Trong khi công nhân lao động, người nghèo trên địa bàn thành phố rất khó khăn để mua được một căn hộ giá rẻ, dù diện tích chỉ từ 45m2, thì hiện các dự án tái định cư đồ sộ với hàng nghìn căn được đầu tư khá bài bản lại vắng bóng người ở, hoang tàn và đang dần xuống cấp.
Siêu dự án tái định cư bỏ hoang ở phường Bình Khánh quận 2. Ảnh: Ngọc Tiến |
Từ nghịch lý này, một vấn đề được đặt ra là liệu chính quyền thành phố có nên tiếp tục xây dựng nhà tái định cư nữa hay không?
Lãng phí nhà tái định cư
Được đầu tư xây dựng cách đây gần chục năm, dự án chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B dự kiến sẽ là nơi ở của hàng nghìn hộ dân nằm trong diện giải tỏa khu vực kênh Tham Lương và một số chương trình chỉnh trang đô thị của TPHCM. Tuy nhiên, khu tái định cư này hiện có cả trăm căn hộ không người ở, đang xuống cấp với dấu hiệu sụt lún, nứt vách…
Được biết khu tái định cư Vĩnh Lộc B được xây dựng với vốn đầu tư 1.062 tỉ đồng trên tổng diện tích 31ha, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010. Toàn khu có 1.939 căn hộ nhưng chỉ có 306 hộ đang ở, nghĩa là vẫn còn tới 1.633 căn đang trống để chờ dân vào ở. Nguyên nhân chính được lý giải là do khu chung cư này nằm khá xa trung tâm, đường đi lại bất tiện khiến nhiều người không mặn mà.
Hầu hết những người có nhà bị giải tỏa đều ở các quận xa dự án, họ có công việc tại nơi ở cũ, khi đến khu tái định cư thì không có việc làm nên những người bị giải tỏa sau này cũng không ai muốn về ở, khiến nơi đây càng thêm hoang vắng.
Nếu khu tái định cư Vĩnh Lộc B bị đổ cho quá xa trung tâm thì khu siêu dự án tái định cư hơn 1.200 căn ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) sát nách quận 1 cũng đang trong tình trạng bỏ hoang cho thấy sự lãng phí và bất cập trong công tác quản lý quỹ nhà tái định cư.
Tháng 4.2015, khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM) có diện tích 38,4ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoàn thiện và đưa người dân vào ở. Điểm đặc biệt của dự án này là sở hữu vị trí “đất vàng” của quận 2.
Để xây dựng khu đô thị này theo quy hoạch, hơn 10.000 hộ dân quận 2, thuộc 5 phường: An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm và An Lợi Đông, tương đương 50.000 người phải di dời.
Tuy nhiên, khi tới khảo sát tận nơi siêu dự án tái định này, chúng tôi dễ dàng chứng kiến cảnh vắng bóng người ở, dù hạ tầng nội khu, các block nhà đã hoàn thiện xong… Đặc biệt, ở nhiều khu vực, một số hạng mục đã bắt đầu xuống cấp.
Nguyên nhân các khu tái định cư này hoang vắng là do nhiều yếu tố như: Những người thuộc diện đền bù không đủ tiền mua nền tái định cư ở đây, hoặc có nhiều người chờ đợi quá lâu không có nhà nên nhận tiền bồi thường rồi đi mua chỗ khác để an cư hoặc vì khu vực này chi phí khá đắt đỏ nên người nghèo không kham nổi đành bán lại suất nhà của mình cho người khác.
Một người dân về sống tại khu tái định cư này từ đầu năm 2016 cho biết: “Khi sống ở khu Thủ Thiêm cũ, chúng tôi mưu sinh bằng việc buôn bán ở chợ An Khánh, còn về đây dù hơn 1 năm, nhưng chúng tôi không biết làm gì để sống. Thêm nữa, chi phí ở chung cư luôn cao hơn dưới nhà phố, nên ít người muốn về đây ở. Có nhiều hộ được giao nhà tái định cư ở đây, nhưng chào bán để đi nơi khác sống”.
Bao giờ hết bất cập?
Nhà ở tái định cư có mục đích là đưa người dân tại các khu giải tỏa về sinh sống, nhưng khi về những khu chung cư cao tầng, người dân không biết làm gì để mưu sinh, trong khi các khoản chi phí tại chung cư rất cao so với thu nhập của người dân sống tại khu tái định cư. Cuộc sống ở các khu nhà tái định cư đang khiến người dân “khóc ròng” vì những thay đổi lớn đến đời sống của họ, đặc biệt là khi chiếc “cần câu cơm” của các hộ nghèo tái định cư bị treo.
Chính vì vậy, người dân nhận nhà tái định cư chỉ sinh sống thời gian ngắn rồi rao bán nhà, thậm chí bán không được cũng bỏ nhà đó mà đi nơi khác sống. Đây là câu chuyện đáng buồn của các khu nhà tái định cư của TPHCM hiện nay.
Trong bối cảnh quỹ nhà tái định cư dư thừa, việc tìm lối ra cho các quỹ nhà tái định cư cũng đang thể hiện nhiều sự không minh bạch. Đơn cử như tại Khu tái định cư Bình Khánh, theo thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, khu vực này hiện đang được xem xét chuyển thành nhà ở giá rẻ, thay vì nhà ở tái định cư như trước kia.
Trên thị trường, một số chủ đầu tư đã tự ý đổi tên dự án và bán ra thị trường với giá bán cao ngất ngưởng. Hay như việc mới đây thông tin một công ty mới được thành lập cách đây 4 tháng đã mua hơn 3.000 căn hộ tại siêu dự án tái định cư lớn nhất TPHCM này để bán theo diện căn hộ thương mại đang gây xôn xao thị trường bất động sản TPHCM.
Không ít chuyên gia địa ốc cho rằng, việc chuyển từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại sẽ tạo ra một số bất cập cho người dân. Lý do là chất lượng nhà ở tái định cư luôn thấp, mức đầu tư và ngay cả tiền sử dụng đất cũng được ưu tiên. Nếu giờ đây doanh nghiệp mua sỉ và bán lẻ theo dạng nhà ở thương mại, với việc áp giá nhà thương mại quận 2 hiện nay, chủ đầu tư sẽ lời lớn, còn khách hàng sẽ chịu thiệt hại nặng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không dùng những khu nhà ở này để tạo quỹ tái định cư cho những dự án thành phố đang triển khai, nhất là khi quy hoạch nhà ở tái định cư thành phố đã có hướng nhìn lâu dài. Bây giờ thay đổi như vậy sẽ khiến quy hoạch bị phá vỡ và chỉ phục vụ lợi ích cho một số doanh nghiệp?
‘Hô biến’ dự án tái định cư thành nhà ở thương mại
Được giao nhiều khu đất để thực hiện dự án tái định cư, nhưng Công ty dịch vụ công ích Q.8 đã “qua mặt” UBND TP.HCM, ... |
Nhà tái định cư
Dư luận những ngày qua dấy lên thông tin dự án nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội) do Công ... |
Cận cảnh 3 tòa chung cư bị đề nghị phá bỏ
3 tòa nhà tái định cư ở Hà Nội bị chủ đầu tư đề xuất phá bỏ để xây dựng mới sau 10 năm người ... |
Bỏ hoang 150 căn hộ tái định cư cả thập kỷ rồi xin phá bỏ
Nguồn tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) vừa đề xuất thành phố ... |
(https://laodong.vn/kinh-te/nghich-ly-bai-toan-nha-tai-dinh-cu-578091.ldo))
Ngày đăng: 08:30 | 26/11/2017
/ Theo Bảo Chương/Lao động