Một phụ huynh vừa bày tỏ bức xúc khi con chị bị cô giáo khám xét người ngay trên lớp vì nghi trộm đồ của bạn. Chuyện này đang gây tranh luận.

Ảnh minh họa

Mới đây, nhiều diễn đàn mạng xã hội xôn xao câu chuyện một nữ sinh lớp 9 bị giáo viên khám người vì nghi trộm đồ của bạn.

Theo chia sẻ từ phụ huynh L.B.N, vừa rồi, con gái chị bị cô khám người trước lớp. "Tôi tìm hiểu và cháu kể rằng vừa bị một nhóm bạn trong lớp nghi có hành vi ăn cắp. Dù con tôi đã khẳng định không trộm đồ của bạn nhưng cô giáo chủ nhiệm và cả lớp vẫn thống nhất kiểm tra người, cặp sách của cháu.

Sau khi kiểm tra, dù được chứng minh rằng không giấu đồ mà bạn đang mất song cháu rất xấu hổ và sốc", chị N bức xúc.

Câu chuyện của chị N nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là tình huống sư phạm thường gặp, giáo viên rất lúng túng khi xử lý. Hành động khám xét người vì nghi trộm đồ là không nên vì sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân cách, lòng tự trọng của con trẻ.

"Dù thật sự cháu có lấy đi nữa cũng có nhiều cách tế nhị, nhân văn để giải quyết vấn đề, như nói chuyện riêng với trẻ để tìm hiểu. Nếu trẻ có lỡ dại lấy đồ, hãy khuyên bảo trẻ đó là việc làm không đúng và cũng không quên giúp trẻ giữ lại lòng tự trọng trước mặt bạn bè", chị Quỳnh Hương - một phụ huynh - cho hay.

Độc giả Bình Minh cho rằng, giáo viên phải rất khéo léo khi xử ký vấn đề này, nếu không sẽ gây tổn thương và mất danh dự của học sinh. Thầy cô hoàn toàn có thể thỏa thuận để em học sinh tự giác chứng minh, còn nếu quá giới hạn thì nên mời gia đình, nhà trường hay công an tham gia.

"Trẻ con như tờ giấy trắng, việc dạy con trẻ ứng xử là cả một nghệ thuật. Nếu trẻ có lỡ lấy đồ thì giáo viên chủ nhiệm nên nói chuyện riêng, khuyên nhủ nhẹ nhàng để con trẻ nhận biết được việc làm sai trái của mình, không tái phạm nữa. Trẻ nhỏ vốn ưa nói ngọt mà", người này nói.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền danh dự, thân thể của công dân là bất khả xâm phạm. Đặc biệt, quyền của trẻ em còn được coi trọng hơn nữa. Chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền điều tra, khám xét, xác định hành vi trộm cắp.

Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ trộm đồ, thay vì quát mắng, nạt nộ hay khám xét người, giáo viên nên ứng xử nhân văn bởi "trẻ em như búp trên cành". Dạy trẻ lòng trung thực không phải điều dễ làm cũng không thể uốn nắn, dạy dỗ trẻ ngày một ngày hai mà đó là cả quá trình. Không có cách gì khác ngoài sự nhẫn nại cộng thêm lòng yêu trẻ thơ vô bờ bến.

Chuẩn giáo viên mới- có chuẩn tiền lương mới?

Chuyện thời sự nhất của “mùa” 20.11 năm nay là hàng trăm giáo viên mầm non nghỉ hưu nhận lương 1,3 triệu đồng/ tháng và ...

Giáo viên mầm non bị tố đánh trẻ 5 tuổi gãy ngón tay

Thấy con bị sưng, đau ở tay, chị Cúc hỏi thì cháu bảo bị cô giáo đánh. Chị đưa con đi khám thì mới phát ...

http://laodong.vn/dien-dan/nghi-trom-do-giao-vien-co-duoc-kham-xet-nguoi-hoc-sinh-khong-576156.ldo

Ngày đăng: 19:15 | 15/11/2017

/ Cường Ngô/Báo Lao động