Một nhóm nhà lập pháp Mỹ kêu gọi trừng phạt Nga nếu nước này bán tổ hợp phòng không S-400 cho các quốc gia khác.
Xe phóng đạn của tổ hợp phòng không tầm xa S-400. Ảnh: Sputnik. |
Một nhóm nhà lập pháp Mỹ, do thượng nghị sĩ Bob Menendez dẫn đầu, hôm 16/3 gửi thư tới Bộ Ngoại giao nước này, đề xuất trừng phạt Nga dựa trên Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu Moscow bán tổ hợp phòng không tầm xa S-400 cho nước ngoài, Sputnik đưa tin.
"Chúng tôi đặt câu hỏi về thương vụ giữa Nga với một số quốc gia nhằm bán hệ thống tên lửa S-400. Liệu những thỏa thuận này có thể kích hoạt biện pháp trừng phạt theo CAATSA hay không. Trong mọi trường hợp, việc bán tên lửa S-400 là hợp đồng lớn, chúng tôi kỳ vọng nó sẽ nằm trong khuôn khổ đạo luật", thượng nghị sĩ Menendez viết trong thư.
Nhóm nghị sĩ đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp phân tích chi tiết về các cuộc đàm phán mua bán tên lửa S-400 giữa Nga với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Arab Saudi, Qatar và một số nước khác. Ông Menendez yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ phương án ngăn các thương vụ S-400 được hoàn tất, cũng như tái khẳng định cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine và tiến trình bầu cử ở nước ngoài.
Trợ lý Tổng thống Nga về hợp tác quân sự Vladimir Kozhin hôm 12/3 cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận bàn giao các tổ hợp phòng không S-400 Triumf vào năm 2020 theo yêu cầu của Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm thực hiện hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD này bất chấp lời đe dọa từ Mỹ và những rạn nứt nghiêm trọng trong khối NATO mà nó gây ra.
Mỹ đã nhiều lần ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp vũ khí hiện đại này từ Nga. Washington cho rằng tên lửa S-400 sẽ gây ra mối đe dọa lớn về an ninh đối với NATO nếu nó được tích hợp vào lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối.
Tức giận trước sự kiên quyết của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế với Ankara nếu nước này quyết mua tổ hợp S-400. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không lùi bước và có những biện pháp đáp trả nếu cần.
S-400 tỏ ra vượt trội so với tên lửa phòng không chủ lực của Mỹ là MIM-104 Patriot. Ra mắt lần đầu năm 1984, phiên bản PAC-3 hiện đại nhất chỉ có tầm bắn tối đa 70 km và trần bắn 24 km, so với khả năng diệt mục tiêu từ cách 400 km của S-400.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga: \'Nhiều nước Đông Nam Á muốn mua tên lửa S-400\'
Bộ trưởng Shoigu khẳng định một số quốc gia Đông Nam Á đang đàm phán để sở hữu tổ hợp phòng không tầm xa S-400. |
Nga chuyển giao tên lửa S-400 cho Trung Quốc
Nga được cho là đã chuyển các tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2014. |
Ngày đăng: 09:07 | 18/03/2018
/ VnExpress