Ban ngày học bài, buổi tối cho tới đêm lại cặm cụi bên máy may, nữ sinh mồ côi cha (gương nghị lực mùa thi của Báo Thanh Niên) mỗi ngày dệt giấc mơ đậu ĐH của mình từ niềm tin, ở thế giới bên kia, cha sẽ yên lòng.
Tiếng máy may chạy đều đều khắp gian phòng trọ chật hẹp, không có gì ngoài vải vóc, những bộ quần áo cần gia công và sách, vở. Đoàn Phương Lan, nữ sinh lớp 12 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM - gương nghị lực mùa thi của Báo Thanh Niên) cẩn trọng với những bộ quần áo của khách hàng, không có thời gian lau những vệt mồ hôi đang loang khắp vầng trán. Là con gái út trong gia đình có 9 anh chị em, Lan luôn được cha mẹ, các anh chị dành nhiều yêu thương, chăm chút. Nhưng những biến cố gia đình liên tiếp xảy đến khiến nữ sinh 18 tuổi dặn lòng phải mạnh mẽ hơn.
Mất cha ngay trước kỳ thi THPT quốc gia
Gia đình Lan quê gốc ở Thừa Thiên-Huế, trải qua sóng gió 2 lần bị cháy nhà, mất trắng toàn bộ tài sản, cha mẹ Lan bồng bế đàn con vào Đắk Nông để lập nghiệp với nghề trồng cà phê, nuôi dê, buôn bán nhỏ. Số phận tiếp tục thử thách cha mẹ Lan khi làm ăn thua lỗ, thất bát, những món nợ trong nhà lớn dần hơn theo tháng năm. Cha của Lan vào TP.HCM tìm việc làm, thấy đây là mảnh đất có thể cho các con nhiều cơ hội, nên ông đón dần các con lên sinh sống.
Khi Lan vào học THPT, cha của em đang làm bảo vệ cho các nhà hàng, quán ăn, nhưng sức khỏe càng ngày càng yếu. Bàng hoàng, một ngày chị em Lan nhận kết quả từ các bác sĩ cho thấy ba bị ung thư phổi. Chi phí để hóa trị, xạ trị, thuốc men rất lớn, gia đình chạy vạy ngược xuôi để lo tiền.
“Ba điều trị ở nhiều bệnh viện, mẹ hầu như phải ở suốt trong viện để chăm ba. Em cứ học xong lại chạy tới, dẫu chỉ nhìn thấy ba một chút cũng yên lòng. Những ngày cuối cùng, ba ở ngay gian nhà trọ này, cùng em và các chị. Em còn nhớ mãi, bác sĩ bảo ba hạn chế ăn thịt đỏ, nhưng ba thèm phở quá, hôm đó chị gái em đạp xe, theo dõi ba, ba đội một cái nón rộng vành, ăn xong thấy các con thì gãi đầu cười, “tao ăn có tô phở thôi à”. Ba hứa là ba sẽ ở bên em tới khi em 25 tuổi, đậu ĐH, có công ăn việc làm, rồi ba mới đi. Thế mà ba không giữ lời, em chưa thi ĐH, ba đi mãi, không bao giờ về nữa”, Lan òa khóc.Lan cho biết tất cả các anh chị em trong nhà luôn được cha thương yêu, có đến 9 người con nhưng ai cha cũng thương, chăm chút, có gì ngon cũng để phần cho con, lo cho con những gì tốt đẹp nhất. Dù lúc ở Huế, Đắk Nông hay cả khi vào Sài Gòn, cuộc sống vất vả như thế nào, người lo đến bạc tóc cũng là cha. Nhưng đến khi cuối đời, khi đàn con chưa kịp để cha có một cuộc sống bớt khổ đau và lo toan, thì cha đã ra đi, trong gian nhà trọ vài mét vuông giữa đất khách quê người. Đó là tháng 4.2019, khi Lan đang thi học kỳ 2 lớp 12.
“Ba làm bảo vệ, dắt xe cho người ta, có người khó chịu, coi thường, hạch sách ba, em nghe kể lại mà lòng đau vô cùng. Ba làm lụng một đời, chưa được nghỉ tới một ngày thì bệnh nặng. Trước ngày mất, ba lúc nhớ lúc quên, nhưng lúc nào cũng bảo phải đưa ba về Huế, quê hương mình. Ba dặn chị gái em, là ba để dành cho bé Lan 1 chỉ vàng, đến khi nào Lan lấy chồng thì đưa cho em, nói là của hồi môn ba cho...”, Lan khóc nức nở.
“Mỗi tháng em bỏ ống heo 300.000 đồng”
Trong 8 anh chị của Lan một số người đã có gia đình riêng, một số người chưa có công việc ổn định. Mẹ Lan lúc ở Huế, khi ở Đắk Nông, sức khỏe yếu đi rõ với các bệnh xương khớp. Hiện Lan ở cùng một chị gái trong gian nhà trọ ở đường Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM, dù được miễn tiền học nhưng chi phí cuộc sống không nhỏ nên ngoài ôn thi ĐH, Lan làm thêm nghề may, gia công trang phục với chị gái. Học nghề từ chị, đến giờ Lan đã sử dụng máy may, máy vắt sổ rất thành thạo. “Cứ có thời gian rảnh là em ngồi làm, hôm nào đã học bài xong em có thể làm tới khuya. Trung bình mỗi tháng em có thể làm được 500.000 đồng, em để 200.000 đồng ăn sáng, mua dụng cụ học tập, còn lại bỏ ống heo, sau này sẽ có lúc cần đến”, Lan chia sẻ.
Vừa học vừa làm nhưng Lan vẫn học giỏi, được bạn bè nể phục, không chỉ về điểm số mà còn về nghị lực sống, sự lạc quan. Lan chia sẻ, cuộc sống rồi ai cũng sẽ trải qua những thử thách, bản thân mỗi người sẽ không thể làm được gì nếu bị cuốn theo và không thể tìm thấy niềm vui mỗi ngày, niềm tin để cố gắng. Từ những đổ vỡ của việc kinh doanh gia đình, Lan nuôi giấc mơ thi đậu ngành quản trị kinh doanh của Trường ĐH Tài chính - Marketing để sau này có thể làm được những điều mà trước đây cha từng ấp ủ mà chưa thể thực hiện. Nữ sinh gương nghị lực mùa thi của Báo Thanh Niên, bộc bạch: “Em luôn tin là ở rất xa, ba luôn dõi theo em, mong em thành công. Trước đây em hứa với ba, khi em có việc làm, em có tiền sẽ đưa cả ba và mẹ đi du lịch, giờ ba không còn nữa rồi, em sẽ phấn đấu vì mẹ”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Nội dung ghi: giúp đỡ em Đoàn Phương Lan. Chúng tôi sẽ chuyển đến gương nghị lực mùa thi Đoàn Phương Lan trong thời gian sớm nhất. |
Nghị lực mùa thi: Hãy giúp cô học trò nghèo đi học !
Kỳ thi THPT đang đến gần nhưng Vũ Thanh Vy, học sinh Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), vẫn hằng ngày cặm cụi cùng ... |
Nghị lực mùa thi: Cùng giúp cô gái mồ côi cha vào đại học
Ngoài bàn máy may cũ kỹ để làm kế mưu sinh mỗi ngày, tôi nhìn quanh căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, thứ nhiều ... |
Ngày đăng: 10:26 | 20/06/2019
/ https://thanhnien.vn