Tâm lý "buồn ngủ" trước và sau ngày nghỉ kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sản xuất
Sau khi Bộ LĐ-TB-XH thống nhất số ngày nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5, theo đó, người lao động sẽ được nghỉ 8 ngày vào các dịp này, gần bằng với số ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 (nghỉ Tết 9 ngày), PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng nên xem xét, thay đổi cho phù hợp với quốc tế.
Lịch nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 của người lao động.
Theo vị PGS, nghỉ lễ, Tết nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động kinh doanh, kinh tế trong nước. Lý do là vì ngày nghỉ lễ, Tết của Việt Nam đều vào những ngày làm việc bình thường của quốc tế, do đó, khi chúng ta nghỉ thì thế giới vẫn đang làm việc. Điều này ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi áp dụng ngày nghỉ cũng đồng nghĩa với các hoạt động hành chính sẽ bị đình trệ kéo dài, trong khi các hoạt động kinh tế vẫn đang diễn ra bình ở các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong nước hoặc doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài như vậy sẽ tạo ra một độ trễ rất lớn.
Ví dụ, các hoạt động giao dịch, giải quyết thủ tục giấy tờ... sẽ bị cản trở, gặp khó khăn, gây ảnh hưởng lớn tới cơ hội cũng như các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
"Không nên nghỉ lễ, Tết theo kiểu "dồn cục" như hiện nay mà cần tổ chức kiểu dàn đều, các kỳ nghỉ phải có sự gắn kết giữa các tổ chức xã hội với các hoạt động kinh tế thì mới mang lại hiệu quả", vị PGS nêu quan điểm.
Hơn nữa, theo vị chuyên gia, nghỉ lễ, Tết ở nước ngoài thường rất rõ ràng, sòng phẳng, nghỉ là nghỉ và đi làm là phải đi làm, còn ở Việt Nam, câu chuyện nghỉ ngơi với đi làm vẫn bị lẫn lộn, nhập nhèm, ăn lẹm của nhau.
Theo vị PGS, tâm lý "buồn ngủ" trước và sau ngày nghỉ kéo dài, khiến ngày nghỉ đáng ra chỉ là 5-7 ngày nhưng hiệu suất lao động thì bị giảm sút từ 10 ngày trước cho tới cả tháng sau.
"Tình trạng tranh thủ du xuân của dân văn phòng, thiếu tập trung trong làm việc... là tâm lý phổ biến của người lao động Việt Nam. Vì thế, dư âm trước và sau ngày nghỉ luôn gây ảnh hưởng rất lớn với hiệu tâm lý người lao động, làm giảm sút hiệu quả sản xuất, giảm sút doanh thu của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nước ngoài rất sợ những ngày nghỉ của Việt Nam", PGS Lê Cao Đoàn nói.
Đáng nói, theo vị PGS, nghỉ lễ, Tết ngoài lý do là văn hóa, truyền thống thì nghỉ lễ, Tết dài ngày còn được xem là dịp để cho người lao động nghỉ ngơi, hồi phục lại sức lực sau cả một năm dài lao động, làm việc mệt mỏi.
Việc này vừa giúp người lao động lấy lại tinh thần, thăng hoa trong cuộc sống và công việc thì cũng giúp mang lại hiệu quả tốt hơn cho các hoạt động kinh tế, sản xuất. Đó là trong các trường hợp nghỉ ngơi phải mang lại hiệu quả thật sự, phải có kế hoạch rõ ràng, tổ chức nghỉ ngơi, vui chơi tốt.
Người lao động nước ngoài họ thường chủ động nắm được ngày nghỉ và có sự chuẩn bị kỹ càng, từ sớm cho các chuyến đi nghỉ, đi chơi của mình. Chính vì thế, hiệu quả các ngày nghỉ của người lao động nước ngoài là rất cao.
Ở Việt Nam, nói là nghỉ nhiều nghỉ kéo dài nhưng nghỉ không hiệu quả, thậm chí còn tạo thêm tâm lý nặng nề, mệt mỏi, tạo gánh nặng cho xã hội.
"Do kỳ nghỉ thường có nhiều thay đổi, không cố định số ngày do nghỉ bù, nghỉ gộp nên người lao động cũng không chủ động được các kế hoạch nghỉ ngơi của mình, vì thế, những ngày nghỉ cũng không mang lại hiệu quả đối với người lao động.
Cần phải hiện đại hóa ngay cả tư duy trong vấn đề tổ chức nghỉ ngơi chứ không chỉ hiện đại hóa trong sản xuất, kinh doanh
Một ví dụ điển hình như việc tổ chức cho học sinh nghỉ hè, trong khi học sinh các nước lại có các kỳ nghỉ đông... như thế là chúng ta đã chưa thật sự có một nghiên cứu về các hoạt động xã hội của Việt Nam với các nước để sắp xếp, tổ chức cho phù hợp", PGS Lê Cao Đoàn dẫn chứng.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam bắt đầu là nước phát triển ở mức trung bình nhưng lại đang có tiềm năng bùng nổ phát triển rất mạnh. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, Việt Nam cũng nên tính toán lại, tổ chức lại các hoạt động xã hội cho phù hợp với hoạt động chung của thế giới, có như vậy mới đem lại hiệu quả thật sự cho các kỳ nghỉ lễ, Tết cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, tâm lý "buồn ngủ" trong các hoạt động nghỉ ngơi và cả trong sản xuất cũng phải được thay đổi, điều chỉnh theo một xã hội hiện đại.
"Làm việc và nghỉ ngơi là một chu trình, hoạt động nào cũng quan trọng nhưng phải diễn ra cho phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và xã hội chung", PGS Lê Cao Đoàn nhắc nhở.
Lam Nguyên
Nghi lễ chém lợn làng Ném Thượng vẫn diễn ra kín đáo
Từ năm 2016, sau những tranh cãi ồn ào, nghi lễ trong hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) được tổ chức trong phòng ... |
Nghỉ lễ, Tết năm 2019 còn 20 ngày
Sau đợt nghỉ Tết dương lịch 4 ngày qua, năm 2019, người lao động còn được nghỉ 20 ngày vào các dịp lễ, Tết. |
Xe ôm công nghệ biến thành truyền thống \'chặt chém\' ngày Tết dương lịch
Tận dụng cơ hội người dân trở lại đông sau kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch 2019, nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã ... |
Ngày đăng: 13:37 | 20/02/2019
/ http://baodatviet.vn