Trẻ mầm non hiện là đối tượng học sinh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch COVID-19 bởi các em không được học trực tuyến khi trường học đóng cửa. Việc trẻ mầm non phải nghỉ ở nhà dài ngày, suốt ngày “làm bạn” với ti vi, Ipad, không có bạn chơi cùng khiến nhiều phụ huynh lo lắng con mình vừa bị ảnh hưởng tâm lý, vừa có nguy cơ chậm phát triển.

Các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đều nhận định thời gian 6 năm đầu đời là giai đoạn “vàng” phát triển của trẻ. Các em phát triển kỹ năng vận động thô, kỹ năng ngôn ngữ thông qua tương tác với cô và bạn, kỹ năng xã hội, làm việc nhóm, phát triển tình cảm- tâm lý… Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến trẻ em trong độ tuổi này tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước mất cơ hội học tập do không được đến trường.

Chị Lưu Thị Thanh Mai, phụ huynh ở Hà Nội có con trong độ tuổi mầm non chia sẻ: “Bố mẹ đi làm suốt ngày, con trẻ lủi thủi chơi ở nhà, giúp việc cũng bận rộn nên phần lớn thời gian con xem tivi, Ipad; không được giao tiếp với bạn bè cùng độ tuổi; không được vận động thường xuyên nên con có phần lầm lì, ít nói và ngại giao tiếp. Buổi tối đi làm về, vợ chồng tôi đều cố gắng dành thời gian để trò chuyện, kết hợp dạy con thông qua việc chơi cùng con nhưng do không có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm nên hiệu quả rất thấp. Tôi mong trường học sớm được mở cửa an toàn trở lại để các con được đi học, có đủ điều kiện để phát triển bình thường”.

Chị Hà Thanh Vân, giáo viên mầm non, đồng thời cũng là phụ huynh có con 5 tuổi cho biết: “Giai đoạn mầm non là giai đoạn giáo dục khó nhất ở tất cả các cấp học, đó chính là gốc rễ của giáo dục sau này, nền tảng hình thành nhân cách, nhân sinh quan của trẻ. Việc trẻ ở nhà quá lâu dẫn đến bất ổn về tâm sinh lý, giao tiếp, sức khỏe, về nhận thức ở trẻ. Do vậy, việc mở cửa trường học an toàn trở lại hiện đang là mong mỏi của nhiều phụ huynh”.

Nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh,  trẻ mầm non có nguy cơ chậm phát triển -0

Nhiều phụ huynh mong chờ ngày học sinh mầm non được đi học trở lại một cách an toàn.

Bà Nguyễn Thanh Nga, chủ một cơ sở mầm non tư thục tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng: Ở các địa bàn ít nguy cơ, có thể xem xét cho học sinh mầm non ở những cơ sở đủ điều kiện đi học trở lại bởi điều này có thể giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề: Trẻ được phát triển đúng độ tuổi; bố mẹ yên tâm gửi con đi làm và hạn chế việc các cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải đóng cửa, phá sản.

Theo đề xuất của bà Nga, trước mắt, có thể để cho phụ huynh những lựa chọn, họ có thể gửi con đến trường để các con được chăm sóc chuyên nghiệp, được học tập một cách bài bản. Nếu phụ huynh chưa yên tâm khi con chưa được tiêm vaccine và có người thân ở nhà chăm sóc, phụ huynh có thể giữ con tại nhà. Các trường mầm non có thể hoạt động cầm chừng, nhận ít học sinh theo yêu cầu của phụ huynh, điều này cũng đảm bảo khoảng cách an toàn trong trường học. Khi đó, phụ huynh cần ký giấy đồng thuận khi gửi bé đến trường. Bản thân các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần đảm bảo những điều kiện cần thiết, tối ưu để bảo vệ sức khoẻ học sinh, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm trong trường học…

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Học sinh mầm non cũng giống như học sinh các cấp học khác, nếu bị ngắt khỏi môi trường giáo dục hàng ngày, môi trường tương tác với bạn bè đồng trang lứa sẽ rất dễ gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế cho thấy, trong hơn 1 năm vừa qua, việc ở nhà và tách khỏi môi trường giáo dục sẽ làm cho trẻ có một số ảnh hưởng nhất định, nhiều trẻ em gặp tình trạng chậm nói, ngại giao tiếp… Hơn nữa, việc ở nhà thường xuyên và tiếp cận với các video trên mạng không giúp cho trẻ phát triển về khả năng ngôn ngữ. Các trò chơi vận động, tư duy trong quá trình học ở trường cũng không được sử dụng khi trẻ ở nhà như chương trình chuẩn tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là đối với các bé 5 tuổi, chuẩn bị lên lớp 1.

Cũng theo chuyên gia này, việc quay trở lại trường không chỉ để đảm bảo về mặt kiến thức, chương trình giáo dục bắt buộc mà quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi và cơ hội phát triển toàn diện của trẻ như tăng khả năng kết nối, tương tác ở môi trường thực, khả năng giao tiếp, tình cảm xã hội, vận động sức khỏe… Vấn đề này cũng đã được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa ra các chính sách để mở cửa lại trường học đảm bảo an toàn.

Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng đã chỉ ra rằng, giáo dục là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch COVID-19, đặc biệt là bậc mầm non. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 155.080 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhiệm việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho hơn 1,24 triệu trẻ em mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đây sẽ là khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục khi huy động trẻ đến trường sau thời gian nghỉ tránh dịch. Bên cạnh đó, báo cáo nêu rõ, nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ... Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ em giáo dục mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển.

Huyền Thanh

Các nước cho học sinh đến trường trong điều kiện COVID-19 ra sao? Các nước cho học sinh đến trường trong điều kiện COVID-19 ra sao?
33 tỉnh, thành phố đóng cửa trường học để phòng chống COVID-19 33 tỉnh, thành phố đóng cửa trường học để phòng chống COVID-19

Ngày đăng: 08:49 | 01/12/2021

/ cand.com.vn