Đại dịch COVID-19 khiến các nước Đông Nam Á mất đi ít nhất 9,3 triệu việc làm trong thời gian qua do các lệnh đóng cửa phòng dịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực như du lịch hay khách sạn, theo một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.
Những khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đã khiến thêm 4,7 triệu người tại Đông Nam Á rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm qua, với mức thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Theo số liệu của ADB, năm 2021, 24,3 triệu người – tương đương 3,7% dân số khu vực sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Trước thời kỳ đại dịch, con số này qua các năm giảm dần, từ 21,2 triệu xuống 18 triệu và 14,9 triệu từ năm 2017 đến năm 2019.
“Đại dịch đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp diện rộng, bất bình đẳng tồi tệ và nghèo đói gia tăng, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ, lao động phổ thông và người cao tuổi ở Đông Nam Á”, theo Giám đốc ADB Masatsugu Asakawa.
Ngoài ra, “tác động của đại dịch đối với đói nghèo và thất nghiệp có thể nghiêm trọng hơn khi nhóm lao động bị mất việc làm kéo theo việc mai một kỹ năng và khả năng tìm kiếm, tiếp cận các cơ hội cũng ngày càng giảm sút”, điều này có thể dẫn đến tình trạng “bất bình đẳng từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Người đứng đầu ABD cũng kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, hợp lý hóa các quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng công nghệ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Trước đó, ABD từng dự báo tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á là 3% trong năm 2021 và dự kiến năm 2022 sẽ là 5,1%. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa được kiềm chế, biến thể Omicron lây lan rộng ở nhiều nước, triển vọng phát triển kinh tế tại khu vực này có thể giảm 0,8% so với dự báo. Ngoài ra, chiến sự tại Ukraine cũng có thể tác động phần nào đến tăng trưởng kinh tế tại khu vực.
Không chỉ Đông Nam Á, khu vực Mỹ Latin và Caribe cũng đang trở thành điểm nóng của đói kém, theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). Hồi cuối tháng 12/2021, FAO ước tính có khoảng 60 triệu người tại khu vực này đang sống trong cảnh thiếu ăn. Là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ thấp hơn dự kiến và chỉ đạt mức 2,8% trong năm 2022 và 2,6% trong năm 2023.
Nạn đói cũng đang đe dọa một số nước thuộc “thế giới Arab”, đặc biệt là Somalia và Yemen. Trong thông điệp gửi Hội đồng Bảo an ngày 16/3, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths kêu gọi thế giới đang tập trung vào xung đột ở Ukraine đừng quên tình trạng thảm họa nhân đạo “mãn tính” xảy ra ở Yemen. Theo ông Griffiths, hơn 23 triệu trên tổng số khoảng 30 triệu cư dân Yemen sống trong cảnh nghèo khó, trong đó 19 triệu người đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Ngoài ra, có đến 2,2 triệu trẻ em Yemen đang bị suy dinh dưỡng cấp tính, khoảng 500.000 đứa bé suy dinh dưỡng nặng và nguy hiểm tới tính mạng.
Liên Hợp Quốc theo đó đề nghị các quốc gia trên thế giới đóng góp 4,3 tỷ USD để cứu giúp người dân Yemen. “Đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng minh rằng chúng ta không bỏ quên Yemen, ngay cả khi có các cuộc khủng hoảng mới đang xuất hiện. Đó là một thông điệp quan trọng”, quan chức Liên Hợp Quốc nhấn mạnh. Theo ông Griffiths, các cơ quan cứu trợ đang đối mặt “tình trạng thiếu kinh phí đáng báo động và chưa từng có”, khi 2/3 số chương trình viện trợ nhân đạo chính của Liên Hợp Quốc phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động. “Nguồn tài trợ đang cạn kiệt và các cơ quan đang dừng công việc của họ ở Yemen”, ông nói thêm, “chúng ta cần bổ sung lương thực, cung cấp nơi trú ẩn và gửi thông điệp đến người dân Yemen rằng chúng ta không quên họ”.
Trước nguy cơ COVID-19 trở thành tác nhân làm trầm trọng thêm tình cảnh đói nghèo trên thế giới, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây khẳng định, đại dịch vẫn chưa kết thúc, mỗi quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức khác nhau. “Sau vài tuần có xu hướng giảm, các ca COVID-19 mới được báo cáo lại một lần nữa gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các khu vực châu Á. Sự gia tăng này đồng nghĩa với việc những gì chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhưng chúng ta đều biết rõ rằng, một khi các ca bệnh gia tăng, thì tỷ lệ tử vong cũng vậy”, ông Adhanom Ghebreyesus nói.
Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, trước mắt để giúp các nước nhanh chóng vượt qua khủng hoảng kép về dịch bệnh và đói kém, ngoài từng bước tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch, cộng đồng quốc tế cần ngay lập tức tăng cường trợ giúp tài chính, lương thực và đảm bảo phân bổ công bằng vaccine ngừa COVID-19. Nếu hàng trăm triệu người nghèo vẫn bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống COVID-19 thì rất có thể sau Omicron, thế giới còn phải đối mặt với nhiều biến thể mới “nhanh hơn, nguy hiểm hơn” của vius SARS-CoV-2.
Tiến Anh
Ngày đăng: 08:49 | 18/03/2022
/ cand.com.vn