Bằng phong thái chủ động, tự tin, có khuôn phép, Kim Jong-un đã cho thấy hình ảnh một lãnh đạo không lép vế trước Trump.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.
Ngày 12/6/2018, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore. Cuộc gặp gây chú ý bởi tính chất lịch sử của nó khi đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên, hai quốc gia về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Giới quan sát lúc bấy giờ nhận định Kim Jong-un, 34 tuổi, đã ghi dấu ấn bằng phong cách ngoại giao tự tin, không lép vế trước một lãnh đạo xuất thân từ doanh nhân lão luyện như Donald Trump, 72 tuổi, theo South China Morning Post.
Sau cuộc hội đàm riêng Trump - Kim kéo dài khoảng một giờ và phiên làm việc chung giữa phái đoàn hai nước, một tuyên bố chung được đưa ra, đánh dấu sự thành công của hội nghị cũng như của Kim Jong-un trong "đòn cân não ngoại giao" với Trump.
Thành công nhất của lãnh đạo Triều Tiên là khi ông tránh được việc đưa khái niệm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) vào tuyên bố chung sau hội nghị. Thay vào đó, ông và Tổng thống Mỹ ký vào một tuyên bố tương đối mơ hồ, thống nhất "hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa".
"Chắc chắn Kim đã rất kiên quyết với lập trường không đưa CVID vào tuyên bố chung", một quan chức cấp cao Hàn Quốc bình luận. Theo ông, việc bổ sung CVID sẽ khiến Bình Nhưỡng bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều và bản tuyên bố chung sẽ không còn mơ hồ như nhiều người nhận xét.
CVID từng là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất tại các cuộc thảo luận tiền hội nghị. Kim luôn nhấn mạnh rằng tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên phải đi đôi với những động thái thiện chí tương đồng từ Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Giới quan sát đánh giá cuộc họp thượng đỉnh này cho thấy lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã cho thấy sự khôn ngoan và có nguyên tắc thế nào khi đàm phán với Tổng thống Mỹ.
Lần tiếp xúc công khai đầu tiên giữa Kim và Trump diễn ra vào khoảng 9h sáng 12/6, khi lãnh đạo Triều Tiên bước vào phòng họp trong bộ trang phục chỉnh tề với tốc độ khá chậm rãi. Ông bắt tay Tổng thống Mỹ, người nổi tiếng với những cú siết tay, lắc giật mạnh bạo nhằm thể hiện uy thế áp đảo đối phương.
Lãnh đạo Triều Tiên không thể hiện bất cứ dấu hiệu hồi hộp nào trên gương mặt khi bắt tay một nguyên thủ gần gấp đôi tuổi mình. Ông gật đầu vài lần với Tổng thống Mỹ trong lúc chào hỏi. Kim cũng cố gắng không né tránh giao tiếp bằng ánh mắt với Trump, người cao hơn ông gần một cái đầu.
Lãnh đạo trẻ của Triều Tiên thậm chí còn vỗ vào tay Tổng thống Trump, cử chỉ mang hàm ý rằng ông và ông chủ Nhà Trắng ở vị thế ngang hàng. Kim Jong-un không quên thể hiện sự tự tin với lời chào dõng dạc bằng tiếng Anh.
"Rất vui được gặp ngài Tổng thống", Kim nói.
Kim Jong-un (trái) bắt tay Donald Trump trước khi bước vào hội đàm. Ảnh: AFP.
Một nhà lập pháp Hàn Quốc thuộc đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng Kim đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng để có màn xuất hiện thuận lợi tại hội nghị. "Trông có vẻ như Kim đã được hướng dẫn và thậm chí có thể đã tập luyện rất nhiều cho khoảnh khắc đó", người này nói.
Bên cạnh cuộc gặp một đối một với Tổng thống Trump, Kim còn gây ấn tượng trong các cuộc thảo luận 4 đối 4 với phía Mỹ. Tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên có cựu trùm tình báo Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Phó chủ tịch đảng Lao động Ri Su-yong. Trong khi đó, tham gia cùng Tổng thống Mỹ có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng lúc bấy giờ John Kelly và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton.
Khép lại một ngày hội nghị, Kim thể hiện sự "trân trọng" đối với Tổng thống Trump, như cách bất kỳ lãnh đạo những "quốc gia bình thường" nào khác sẽ làm. "Chúng tôi chuẩn bị ký một văn bản nơi chúng tôi vượt qua quá khứ và đánh dấu một khởi đầu mới tại cuộc gặp lịch sử này", Kim nói trước khi ký tuyên bố chung.
Đây không phải lần đầu tiên Kim cho thấy ngôn ngữ ngoại giao trôi chảy của mình. Ông từng gây ấn tượng tại cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Panmunjom hồi tháng 4/2018. Kim ngỏ ý muốn tới thăm dinh tổng thống Hàn Quốc ở Seoul, một cử chỉ nhỏ nhưng giúp phá băng quan hệ và thay đổi cách nhìn của công chúng lâu nay về ông như là một lãnh đạo trẻ tuổi, khát khao quyền lực, chuyên gia nhận định.
Nhân chuyến đi, Kim cũng tìm cách lấy lòng người dân Singapore khi thay đổi lịch trình để tham quan thành phố về đêm. Ông và đoàn tùy tùng tới thăm khách sạn kiêm sòng bài Marina Bay Sands, lên tầng 57 của tòa nhà và ngắm nhìn thành phố. Tươi cười trước ống kính máy quay và vẫy chào truyền thông cùng du khách, Kim tỏ ra thân thiện, thoải mái.
Theo Michael Kovrig, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, tham quan, ngắm cảnh là việc làm "bất thường đối với một lãnh đạo Triều Tiên" và Kim đã tận dụng điều này rất tốt để thiết lập bối cảnh cho những động thái ngoại giao và hòa giải.
"Tôi nghĩ Kim muốn chiếm thiện cảm của mọi người và lôi kéo sự đồng cảm đối với bản thân ông và chính quyền của ông trong một nỗ lực nhằm làm suy yếu quyết tâm duy trì sức ép và các biện pháp trừng phạt", Kovrig nói. "Kim có lẽ chân thành mong muốn đất nước tái hòa nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế quốc gia".
Kim Jong-un (trái) và Donald Trump rời khỏi sân khấu sau lễ ký tuyên bố chung. Ảnh: AFP.
Cựu ĐS VN tại Triều Tiên: Hai ông Trump - Kim Jong Un đều rất đặc biệt
Trước thềm cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội, cựu đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức ... |
Cuộc gặp Kim Jong Un - niềm hy vọng của Trump giữa rối ren nội bộ
Tổng thống Mỹ muốn hội nghị thượng đỉnh thứ hai với Triều Tiên ở Hà Nội trở thành dấu ấn ngoại giao quan trọng sau ... |
Ngày đăng: 14:35 | 19/02/2019
/