Thẳng thắn bày tỏ quan điểm cá nhân với những show thực tế hiện đang càn quét trên sóng truyền hình, nghệ sĩ Vượng “râu” bình thản đi qua dòng chảy ồ ạt của thị trường để sống trọn vẹn với nghề.
- Với đánh giá chung thì truyền hình thực tế đang dần “giết chết” các nghệ sĩ và sân khấu là bởi vì, chương trình diễn ra quá ồ ạt là điều mà anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn trăn trở. Mặt khác, việc nhiều gương mặt nhanh chóng thành sao sau khi tham gia chương trình thực tế đã làm cho một số nghệ sĩ lớn tuổi như tự giam mình vào… lãnh cung. Tôi biết rõ xu thế đang diễn ra như thế nào, vì vậy gần như hạn chế đến mức tối đa không tham gia vào các chương trình kiểu như trê, tránh gây ảnh hưởng tới các show do mình thực hiện. Mỗi nghệ sĩ đều có đối tượng khán giả riêng, sức hút nhất định nên nếu cứ bị cuốn theo dòng chảy vô hình chung sẽ trở thành những gương mặt phổ cập.
Một thực tế cho thấy rằng, cũng bởi qua nhiều gameshow mà nghệ sĩ hài không có nhiều đất diễn, hết “mảng miếng” để trưng trổ. Vậy để mời các nghệ sĩ tham gia chương trình hài “Tết Vạn Lộc - Ơn nghĩa sinh thành” vào 20h ngày 30.12 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), anh đã phải cân nhắc cũng như có sự tính toán như thế nào?
- Tôi vẫn giữ quan điểm chỉ lựa chọn và mời những nghệ sĩ ít góp mặt trong chương trình truyền hình thực tế hay gameshow. Thậm chí phải mất khá nhiều công sức mới tiếp tục mời hai anh Bảo Liêm - Bảo Chung từ Mỹ về tham gia chương trình lần này. Tôi tin rằng, dù không có gương mặt nghệ sĩ nào “hot” nhất bây giờ nhưng “Tết Vạn Lộc” vẫn đảm bảo sức hút đối với người xem, là một “món ăn” đầy đủ gia vị đúng nghĩa - hấp dẫn, mới lạ và chất lượng.
Ngoài nghệ sĩ Bảo Chung - Bảo Liêm xuất hiện đều đặn trong “Tết Vạn Lộc”, tại sao anh không mời thêm gương mặt khác cho phong phú hơn?
- Có thể tại thị trường Việt Nam, hai tên nghệ sĩ Bảo Chung - Bảo Liêm không phải là cái tên “ăn khách” nhưng sau những “thử nghiệm” tại một số chương trình trước đó, tôi tin vào lựa chọn của mình. Bản thân tôi làm gì cũng phải tính đường dài, sự chuyên nghiệp không thể thiếu tính dài hạn trong đó. Mỗi chương trình cần tạo dấu ấn riêng, để mỗi khi nhắc đến khán giả sẽ nhớ ngay nghệ sĩ nào góp mặt. Sân khấu nào - nghệ sĩ nấy, không bao giờ tham gia lẫn lộn. Nếu cứ chạy theo sự ăn khách nhất thời sẽ vô tình khiến chương trình rối loạn về mặt hình ảnh, nhất là không định hình được êkíp gồm những ai, nếu vậy chương trình sẽ chỉ mang tính chất tạp kỹ, thiếu sự chiều sâu.
Anh nói sao về việc, nghệ sĩ trong nước “hét giá” cátsê quá cao còn nghệ sĩ hải ngoại ngược lại, được cho rất dễ mời bởi một phần vì ở nước ngoài không có nhiều sô diễn nên buộc họ phải tìm kiếm cơ hội tại quê hương?
- Đúng là có một số nghệ sĩ tự “nâng giá” cátsê cao ngất ngưởng, điều đấy hơi phi thực tế và đôi khi họ đang ảo tưởng sức mạnh về chính bản thân. Với cá nhân tôi hoàn toàn có thể chấp nhận trả tiền cátsê cao nhưng điều đó phải đồng nghĩa với sự tương xứng của thương hiệu, tính hiệu quả mà người nghệ sĩ mang lại cho các nhà sản xuất. Nghệ sĩ cần “liệu cơm gắp mắm”, biết hài hoà chương trình nào hợp lý thì làm.
Nghệ sĩ hải ngoại đều có thị trường của riêng họ, khó có thể nói ở đâu ít hay nhiều sô. Khán giả tại Việt Nam còn khá “sính ngoại”, thích những điều gì đó... xa vời, thế nên đây cũng là câu trả lời lý giải vì sao mỗi khi nghệ sĩ hải ngoại về diễn là khán giả ồ ạt đi thưởng thức âm nhạc, giao lưu với ca sĩ.
Một chương trình ghi hình như “Tết Vạn Lộc” gần như đã có các nhà tài trợ, nên việc bán vé chỉ mang tính chất hình thức, anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Thú thật là, nhà tài trợ hay các mạnh thường quân chỉ lo được một phần nào đó cho chương trình thôi. Tôi không phủ nhận, có tài trợ là có thêm nhiều nguồn thu, thì sẽ có những chương trình tử tế và đẹp hơn nên êkíp chúng tôi vẫn mong chờ vào lượng bán vé là chủ yếu. Điều tôi “lãi” nhất sau mỗi mùa “Tết Vạn Lộc” là cái tên Vượng “râu” đã quen thuộc hơn không chỉ với khán giả trong nước mà còn đối với kiều bào sinh sống tại nước ngoài.
Vậy khi đặt địa vị làm nhà sản xuất, anh thường dựa theo tiêu chí nào để làm chương trình: Lợi nhuận, thương hiệu hay định hướng thị hiếu khán giả?
- Tôi quan tâm đến tiêu chí cuối cùng: Định hướng thị hiếu khán giả. Nói một cách cụ thể hơn, bất cứ chương trình nào mà Vượng “râu” làm, chưa biết hay dở nhưng điều ưu tiên hàng đầu là phải dành cho số đông, không dành cho thiểu số. Ví dụ có nhà tài trợ yêu cầu làm theo “màu sắc” của họ, mà khán giả chắc chắn không thích là tôi sẵn sàng từ chối. Tính tôi hơi cầu toàn, muốn chương trình mà mình làm phải gọn gàng và sạch sẽ, thành ra mất khá nhiều thời gian lẫn công sức. Tôi muốn sản phẩm khi đến với công chúng sẽ được đón nhận hơn là chạy theo lợi nhuận, phụ thuộc vào các nhà tài trợ.
Thường xuyên viết kịch cho các tiểu phẩm hài, có lúc nào đó anh “bí” về ý tưởng chưa?
- Nếu nói về ý tưởng tôi là người chắt lọc và tiết kiệm. Trong nghệ thuật, tôi tiêu pha một cách dè sẻn vì nghĩ rằng, con đường mình đi còn rất dài nên cần phải giữ lại chút ít làm “vốn dắt lưng” cho mỗi kịch bản sau này. Bây giờ theo xu hướng hiện đại hoá, khán giả không còn mua đĩa hài Tết về xem. Việc sản xuất theo kiểu ngày xưa giờ khó khăn hơn rất nhiều. Tôi cùng êkíp đang có sự chuyển hướng khác khi quyết định phát hành loạt hài Tết trên kênh Youtube.
Xin cảm ơn và chúc anh thành công!
\'Chiều ngang qua phố cũ\' là phim truyền hình xuất sắc của năm Tác phẩm của đạo diễn Trịnh Lê Phong giành giải vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 37, tối 16/12 ở Thanh ... |
\'Người phán xử\', \'Sống chung với mẹ chồng\' là phim đình đám nhất 2017 "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" hay "Thương nhớ ở ai" là những bộ phim truyền hình đình đàm trên sóng VTV trong ... |
Ngày đăng: 11:58 | 17/12/2017
/ Báo Lao động