Sau ồn ào loạt nghệ sĩ quảng cáo tiền ảo bất hợp pháp, Nam Thư xin lỗi vì chưa tìm hiểu kỹ, những người còn lại xóa bài.
Hôm 20/5, Ban tuyên giáo Thành ủy TP HCM gửi công văn đề nghị các hội văn học nghệ thuật chấn chỉnh tình trạng nghệ sĩ giới thiệu, quảng cáo trái luật một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo... có thể ảnh hưởng sức khỏe và tài sản người tiêu dùng.
Công văn được đưa ra trong bối cảnh nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm online ngày càng lộn xộn. Hôm 11/5, nghệ sĩ Nam Thư, Kiều Minh Tuấn, Ngọc Trinh, Khả Như, Lê Dương Bảo Lâm, Gin Tuấn Kiệt... đăng bài quảng cáo tiền ảo. Theo nội dung giới thiệu, chiến dịch kêu gọi đầu tư tiền mã hóa, hướng tới một loại tiền vô danh, liên quan một nhóm đầu tư coin đa cấp từng bị cảnh báo là lừa đảo.
Độc giả Lê Doanh phản ánh trên VnExpress: "Trên TikTok tràn ngập video quảng cáo 'viên sủi giảm cân', giảm từ 10-20 kg trong vài ba tháng, do một số diễn viên, nghệ sĩ PR mà không thể vào bình luận vì bị khóa tính năng. Thật đáng sợ khi nó vẫn tồn tại hàng ngày, hàng giờ". Độc giả Trí Minh bình luận: "Vợ tôi từng mua sữa ong chúa của một nghệ sĩ nổi tiếng với giá cắt cổ, về dùng mới thấy chẳng khác gì mua ở ngoài chợ. Vợ tôi chê, lấy pha trà uống thay đường cho đỡ phí. Sau vụ này cô ấy cạch đến già, tẩy chay luôn cả chương trình có mặt nghệ sĩ kia". Nhiều nghệ sĩ trẻ bị các diễn đàn "điểm mặt chỉ tên" quảng cáo những loại mỹ phẩm trắng da thần tốc, có hại cho người dùng.
Khi bị khán giả phản ánh sản phẩm kém chất lượng hoặc sai sự thật, một số nghệ sĩ chọn cách xin lỗi công khai. Hôm 20/5, diễn viên hài Nam Thư lên fanpage xin lỗi, nhận sai vì tiền ảo đang là vấn đề nhạy cảm, việc giao dịch tiền ảo trong nước là không hợp pháp. Cô cho biết sơ suất do không trực tiếp điều hành fanpage mà để quản lý thay mặt. Khi bị công chúng chỉ trích, cô đã kiểm tra và tự gỡ bài quảng cáo.
Quyền Linh ân hận vì chưa tiết chế lời nói khi quảng cáo một thực phẩm bảo vệ sức khỏe chức năng hỗ trị giảm loét dạ dày. Anh từng sử dụng sản phẩm ngay trong một lần livestream nhằm tăng độ tin cậy nhưng sau đó bị nhiều khán giả cho rằng nói quá công dụng mặt hàng. Anh giải thích vài năm trước bị đau bao tử nặng, sau đó có người quen chỉ anh dùng thử. Thấy hiệu quả, anh giới thiệu sản phẩm, khẳng định không nhận thù lao, cũng không lường trước hệ quả không hay từ quảng cáo. Năm 2017, diễn viên Ốc Thanh Vân xin lỗi, thu hồi sản phẩm, trả tiền cho khách khi nhãn mỹ phẩm cô làm đại sứ bị điều tra vì không rõ nguồn gốc. Ngược lại, nhiều nghệ sĩ chọn cách để sự việc trôi vào im lặng, âm thầm xóa bài quảng cáo
Diễn viên hài Nam Thư xin lỗi khán giả trưa 20/5 vì hành vi quảng cáo tiền ảo trên fanpage. Ảnh: Châu Châu. |
Đông đảo nghệ sĩ rút ra bài học thận trọng hơn khi nhận lời giới thiệu sản phẩm.
Ca sĩ Thanh Thảo cho biết từ ngày về nước hồi tháng 2, chị nhận quảng cáo cho bốn thương hiệu: sữa hạt dinh dưỡng nhập khẩu từ Singapore, mỹ phẩm dưỡng da, giảm cân của Hàn Quốc. Trước khi hợp tác, chị yêu cầu kiểm tra các giấy phép công bố chất lượng, nhập khẩu quốc tế, chứng nhận an toàn cho người tiêu dùng... Chị từ chối nhiều thương hiệu vì thấy không phù hợp. Thậm chí, có nhãn hàng khi chuẩn bị quay TVC, chị phát hiện họ từng vướng ồn ào lừa gạt người tiêu dùng nên hủy hợp đồng, trả tiền đặt cọc.
Nghệ sĩ Trần Nhượng trực tiếp sử dụng sản phẩm để đưa ra đánh giá trung thực. Theo nghệ sĩ, nhờ vậy mà nhiều năm trong nghề ông chưa bị người tiêu dùng phản ánh vì quảng cáo thương hiệu kém chất lượng. Ông hiện PR cho một số loại thực phẩm chức năng, thuốc nhuộm tóc... Tương tự, ca sĩ Vũ Hà đưa cho người thân dùng thử, thấy hiệu quả mới giới thiệu đến khán giả. Anh từng được mời quảng cáo chơi tiền ảo trên mạng nhưng từ chối. Anh hiện chỉ hợp tác với một số mặt hàng: gà ủ muối, hải sản đóng hộp với Đàm Vĩnh Hưng. Vài năm qua, Quyền Linh từ chối nhận lời mời quảng cáo thuốc, các sản phẩm được giới thiệu có thể chữa ung thư, xương khớp, chỉ nhận lời giới thiệu về mặt hàng gia dụng.
Ca sĩ Thanh Thảo cẩn trọng trong việc nhận quảng cáo. Ảnh: Le Thien Vien. |
Nhiều nghệ sĩ cẩn trọng ngôn từ khi quảng cáo. Khi nhận kịch bản, diễn viên Công Lý đọc kỹ, lược bỏ các cụm từ "tốt nhất", "hiệu quả nhất" hay thổi phồng chất lượng sản phẩm. Anh nói: "Quảng cáo online như con dao hai lưỡi, giúp tăng thu nhập nhưng cũng có thể hủy hoại hình ảnh của nghệ sĩ. Nếu cứ bất chấp làm bằng mọi cách, khán giả sẽ quay lưng ngay".
Theo nghệ sĩ Quang Tèo, khi quảng bá thương hiệu, nghệ sĩ dễ mắc tâm lý nói quá về công dụng, thay vì chừng mực. Anh cũng cho rằng không nên đổ lỗi về chất lượng sản phẩm hoàn toàn cho người quảng cáo. "Trường hợp nhãn hàng có vấn đề, cơ quan kiểm định, cấp phép là đơn vị chịu trách nhiệm. Chúng tôi là nghệ sĩ, không có chuyên môn về lĩnh vực đó nên tin tưởng vào các giấy tờ pháp lý", anh nói.
Nghệ sĩ Quang Tèo được nhiều nhãn hàng chọn làm gương mặt hợp tác. Ảnh: Hiểu Nhân. |
Nhiều năm qua, quảng cáo trực tuyến qua người nổi tiếng trở thành xu thế. Theo số liệu của Vero Asean - công ty chuyên cung cấp giải pháp về digital marketing ở châu Á, trong năm 2020, có đến 78% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ngân sách lớn cho Influencer Marketing (phương pháp dùng uy tín của những người có sức ảnh hưởng để làm thương hiệu hoặc tăng doanh số) vào các chiến dịch quảng cáo. Trong đó, 39% kinh phí được dùng cho việc kết hợp cùng những người nổi tiếng.
Các tài khoản mạng xã hội của nghệ sĩ có từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu lượt theo dõi. Vì vậy, mỗi bài đăng của họ sẽ tiếp cận được đông đảo khán giả. Giá quảng cáo của nghệ sĩ phụ thuộc vào độ nổi tiếng, số người theo dõi, dao động từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Theo Hopper HQ, một bài đăng trên Instagram giúp Ariana Grande thu về 853.000 USD (khoảng 19,6 tỷ đồng). Tại Việt Nam, chị Hương Quỳnh - trưởng phòng marketing một nhãn hàng trang sức - cho biết giá một bài đăng Facebook của các nghệ sĩ dao động từ 10 - 70 triệu, video giới thiệu sản phẩm từ 50 - 200 triệu.
Huế Nhật Dung
Vì sao quảng cáo thuốc tràn lan YouTube |
Quế Ngọc Hải và những cầu thủ Việt Nam gặp rắc rối vì đóng quảng cáo |
Ngày đăng: 08:37 | 23/05/2021
/ vnexpress.net