Việc Hãng phim truyện Việt Nam được “bán cái” cho Công ty Vận tải thủy vốn không có kinh nghiệm về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh khiến các cây đại thụ điện ảnh đứng ngồi không yên. Các nghệ sĩ không hiểu tại sao Hãng phim truyện Việt Nam phải bán tháo cho một công ty “lạc dòng” với nghệ thuật.
Hãng phim truyện Việt Nam sở hữu “khu đất vàng” tại Hà Nội. |
Thương hiệu, truyền thống bị bỏ quên
Câu hỏi vừa lại được các cây đại thụ điện ảnh Việt xới xáo trong suốt những ngày trung tuần tháng 9 này. Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Thành lập năm 1953, năm 1959, bộ phim “Chung một dòng sông” ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển của VFS. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: “Con chim vành khuyên”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Chị Tư Hậu”, “Mối tình đầu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”…
Đáng buồn, một địa chỉ đỏ của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với hơn nửa thế kỷ tồn tại, cho ra đời biết bao bộ phim với bao tên tuổi đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên đình đám…, bấy lâu “sống mòn” thậm chí thua lỗ triền miên. Mỗi năm VFS chỉ sản xuất được 2-3 bộ phim, chủ yếu do Nhà nước đặt hàng và gần như không có hiệu quả về mặt doanh thu.
Chỉ tính riêng năm 2013, VFS lỗ 1,3 tỷ đồng và trong 9 tháng đầu năm 2014 thì số lỗ đã lên tới 3,7 tỷ đồng. Cổ phần hóa là con đường đưa điện ảnh thoát khỏi tư duy bao cấp, phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách nhà nước và sống một cách èo uột với những bộ phim làm ra chỉ để… xếp kho. Tuy nhiên, việc Hãng phim truyện Việt Nam được mua lại bởi Cty Vận tải thủy vốn không có kinh nghiệm về lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh khiến các cây đại thụ điện ảnh lo lắng.
Trước những thắc mắc của rất nhiều người về việc Công ty Vận tải thủy mua VFS với giá “bèo”, rẻ như cho - hơn 33 tỉ đồng mà không tính đến giá trị về thương hiệu, khối tài sản và những mảnh “đất vàng” mà VFS đang sở hữu dưới hình thức được thuê và trả tiền theo năm bao gồm bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, 6.382,8m2 đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP HCM, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái từng lý giải khi cổ phần hóa không tính giá trị đất, vì theo Luật đây là đất thuê của Nhà nước nên khi chuyển cổ phần không được tính giá trị đất. Điều này cũng được áp dụng với tất cả các mảnh đất hiện VFS quản lý.
Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim Truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cũ. Ngày 23/6/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập Cty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.
Nghệ sĩ, đạo diễn bị “mời đi bán bún, phở”?
Không phải ngẫu nhiên, những nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định cổ đông chiến lược hiện chỉ quan tâm tới giá trị mảng “đất vàng” chứ không phải làm phim. Nhiều nghệ sĩ bức xúc bởi tình trạng chậm lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim của đơn vị mua lại hãng.
Các nghệ sĩ cho biết bộ phim “Người yêu ơi” mà hãng đang sản xuất là dự án nhà nước cấp trước khi cổ phần hóa. Cty CP không thể tính là “đã thực hiện một phim điện ảnh trong năm” như họ đã cam kết. Trước khi cổ phần hóa, đơn vị này tỏ ra quan tâm và hứa hẹn đầu tư máy móc cũng như xây dựng các chương trình quảng bá truyền thông cho hãng phim - hiện mang tên Cty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần ba tháng, lời hứa này không được thực hiện.
Đạo diễn Thanh Vân cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất lập một Hội đồng thẩm định kịch bản nhằm tư vấn cho lãnh đạo Cty CP. Ban đầu họ đồng ý, nhưng khi chúng tôi đưa dự án thì họ gạt đi, chứng tỏ họ không hề muốn sản xuất phim”.
Đó là chưa kể việc các nghệ sĩ “nóng mặt” khi lãnh đạo hãng nói các nghệ sĩ “không chịu làm việc”, “hãy tự đi kiếm việc, tự nuôi nhau, nếu không có việc hãng sẽ tạo điều kiện cho mượn địa điểm để bán bún, bán phở”. Các nghệ sĩ còn đau lòng bởi sau khi cổ phần hóa, ban lãnh đạo mới gây nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất. Bốn phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim và thiết kế mỹ thuật được dồn vào một phòng.
Tủ kịch bản với nhiều tư liệu quý được chuyển sang Viện Phim Việt Nam. Các kho đạo cụ, phục trang bị chuyển đến các kho của Cty vận tải cách đó gần 40km. Các phòng này được cho thuê để kinh doanh, mở cửa hàng ăn uống để kiếm thêm tiền. Bà Hồng Ngát - cựu Giám đốc Hãng phim - cho biết: “Tôi đau lòng khi thấy các thiết bị lăn lóc. Trên thực tế, Cty chủ quản không hiểu về phim ảnh. Máy quay, phục trang, phòng dựng có thể cho các đoàn làm phim khác thuê để tạo ra nguồn thu nhập cho đơn vị, nhưng họ không tận dụng điều đó mà lại cho thuê không gian để bán thức ăn”.
Với “tổ lái” của Cty Vận tải thủy như vậy thì con thuyền của điện ảnh Việt, nghệ sĩ Việt sẽ lênh đênh về đâu. Câu hỏi còn đang bỏ ngỏ…
(http://baophapluat.vn/bi-an-cuoc-song/nghe-si-dung-ngoi-khong-yen-vi-hang-phim-truyen-viet-nam-duoc-ban-cai-355123.html)
Khi cổ phần hoá hãng phim lại không vì phát triển điện ảnh
Khi quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, một công ty “sản xuất nghệ thuật” như Hãng Phim truyện ... |
‘Nghệ sĩ rất nhục khi Hãng phim truyện VN thành nhà hàng ăn uống\'
NSND Minh Châu bức xúc khi Hãng phim truyện Việt Nam - địa chỉ vàng của điện ảnh cách mạng nước nhà - đã trở ... |
Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Chỉ chờ ăn đất?
Cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới ... |
Hội đồng quản trị Hãng phim nói gì trước những bức xúc của nghệ sĩ?
Ông Nguyễn Danh Thắng- Phó TGĐ Công ty vận tải thủy đại diện Hội đồng quản trị đã trả lời Dân Việt về những bức ... |
Ngày đăng: 09:59 | 19/09/2017
/ Theo Thùy Dương/Báo Pháp luật Việt Nam