Nghệ nhân vàng mã Koh từng mất một tháng để dựng lâu đài giấy cao 3,7 m, nó bị thiêu rụi chỉ trong hai phút.
Lee Teik Joo đang làm một hình nộm giấy. Ảnh: CNA. |
Hàng chục que tre được trải trên sàn nhà, trong tầm tay với của nghệ nhân 25 tuổi Lee Teik Joo ở Georgetown, Penang, Malaysia. Dùng một con dao nhỏ, Lee khéo léo chẻ các que tre thành từng đoạn nhỏ. "Tôi từng bị đứt tay rất nhiều lần", Lee cho biết.
Anh đang dựng mái nhà cho một biệt thự bằng giấy theo đơn đặt hàng từ một đám tang. Đơn đặt hàng mới được gửi đến và Lee đang vô cùng tất bật nhằm đảm bảo giao hàng đúng hẹn. Những món vàng mã thường được đặt là mô hình ngôi nhà, ôtô, hình nộm quản gia và người giúp việc.
Theo phong tục truyền thống của người Trung Quốc, những hình nộm giấy này khi được đốt sẽ được gửi tới tận tay những người đã khuất. Tiền vàng, quần áo giấy và những mô hình vật dụng sinh hoạt là những mặt hàng thường được đặt hàng trong dịch tiết Thanh minh, đám tang và ngày giỗ của những người đã khuất.
Lễ cúng cô hồn theo phong tục của người Trung Quốc rơi vào ngày 14/8 năm nay, nên những đơn đặt hàng gửi tới Lee trong những ngày này khá nhiều.
Bắt đầu làm vàng mã từ 6 năm trước, Lee là một trong số ít những người trẻ theo nghề này. Anh cho biết từng tới gõ cửa nhà nghệ nhân vàng mã Koh Beng Hock để học nghề nhưng bị từ chối. "Tôi quay trở lại vài giờ sau đó và được thầy nhận vào", Lee cho biết.
Ông Koh, 63 tuổi, đã dạy cho Lee tất cả những gì ông biết về nghề làm hình nộm giấy. Khác với những người nghệ nhân khác không có ai để truyền nghề, Koh có hai người nối tiếp sự nghiệp là con trai Koh Eng Keat và Lee.
Chỉ vào Lee, ông Koh nói với giọng đầy tự hào: "Đây là tôi khi còn trẻ". Ông Koh lần đầu làm vàng mã khi còn là một thiếu niên và gắn bó với công việc này suốt cuộc đời.
"Để làm hình nộm giấy, bạn cần phải chăm chỉ và kiên nhẫn, tỉ mỉ tới từng chi tiết. Bạn cũng cần có chút năng khiếu và con mắt nghệ thuật. Không phải ai cũng có thể làm được", Koh nói.
Lee đáp ứng được tất cả những yêu cầu này. Ngồi trên chiếc ghế đẩu đặt trên sàn nhà, Lee tỉ mẩn uốn những thanh tre theo hình cấu trúc ngôi nhà. Anh cho biết điều quan trọng nhất học được từ thầy Koh là tính linh hoạt và sáng tạo. "Thầy dạy cho chúng tôi nền tảng, nhưng con đường phía trước thì tự chúng tôi phải đi. Chúng tôi quan sát các thầy rồi tự điều chỉnh", Lee nói.
Koh Eng Keat cho hay nghề làm vàng mã đòi hỏi rất nhiều sự sáng tạo: "Chúng tôi có thể thay đổi để các hình nộm không trở nên nhàm chán. Bạn có thể thay đổi biểu cảm trên khuôn mặt hình nộm một chút, khiến nó trở nên khác hẳn. Chúng tôi phải tưởng tượng và suy nghĩ vượt khỏi lối mòn".
Tháng 7 âm lịch là giai đoạn bận rộn nhất với những xưởng làm vàng mã ở Malaysia. Theo quan niệm của người dân nhiều nước phương Đông, đây là tháng cửa địa phủ mở ra và các linh hồn được phép lên dương thế. Xưởng làm vàng mã của ông Koh thường nhận được đơn đặt hàng ông Tiêu Diện (vị thần chuyên hàng phục ma quỷ theo quan niệm của người Hoa) đến từ Langkawi và Kuala Lumpur. Mỗi hình nộm ông Tiêu Diện cần tới hai tuần để hoàn thiện.
"Tùy theo yêu cầu của khách hàng, mặt của hình nộm ông Tiêu Diện có thể là màu xanh, đỏ, trắng hay đen", Lee nói. "Công đoạn tốn thời gian nhất là ghép các chi tiết lại với nhau. Ví dụ, cổ áo của ông Tiêu Diện có ba lớp làm từ 6 mảnh giấy".
Lee cho biết anh trân trọng và quan tâm tới từng chi tiết cho mỗi sản phẩm của mình. "Tôi tự hào nhất khi nghe khách hàng nói hình nộm của tôi trông y như thật".
Năm ngoái, xưởng làm vàng mã tại Penang của ông Koh nhận được đơn đặt hàng một lâu đài giấy cao 3,7 m. Công trình to tới mức thầy trò Koh và Lee phải mất một tháng để hoàn thành. "Sau đó, nó bị thiêu rụi chỉ trong có hai phút. Tôi nhìn vào nó và nghĩ mồ hôi, những vết thương mà chúng tôi đã trải qua thật đáng giá. Hy vọng duy nhất của tôi là những người đã khuất sẽ nhận được những vật dụng này", Lee nói.
Anh cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho tới khi nào người Malaysia vẫn còn nhu cầu mua vàng mã. "Nếu có những người trẻ sẵn sàng học hỏi và kế thừa, nghề làm vàng mã vẫn có thể tồn tại. Nhưng như thầy tôi đã nói, không phải ngày nào cũng có những chàng trai trẻ điên khùng ghé tới và nói muốn được học nghề", Lee nói.
Thu Hương (Theo CNA)
Vu Lan 2019: “Đốt vàng mã ở chùa, trụ trì là người chịu trách nhiệm“
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký GHPGVN, mùa báo hiếu năm nay hướng tới nghi lễ trang nghiêm, ... |
Đại lễ Vu lan báo hiếu 2019: Không đốt vàng mã, không cúng lễ thu tiền
Đó là những điểm mới trong thông tư hướng dẫn việc tổ chức Đại lễ Vu lan 2019 do GHPGVN vừa ban hành gửi Ban ... |
Bộ Văn hoá kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã
Các địa phương được khuyến nghị kiểm tra việc kinh doanh và đốt vàng mã không phù hợp thuần phong mỹ tục như quần áo ... |
Ngày đăng: 12:45 | 13/08/2019
/ vnexpress.net