Nhà báo Nguyễn Như Phong, nguyên Phó Tổng Biên tập báo CAND, phụ trách tờ An ninh Thế giới, nguyên Tổng Biên tập Báo Năng Lượng Mới là một trong số ít nhà báo khi đã ở vị trí quản lý vẫn lăn xả và đam mê viết lách.
Nhà báo Nguyễn Như Phong trong một chuyến công tác ra giàn khoan |
Tổng Biên tập miệt mài viết báo
Ông viết mải miết đến tận bây giờ. Từ hồi mới chập chững bước chân vào nghề báo, tôi từng được ông chỉ bảo: “Nghề báo là nghề không được ngừng viết… Rời tay bút chỉ vài tháng là bạn đọc quên ngay và “ráo mồ hôi” là hết tiền”.
Nhà báo, Đại tá Nguyễn Như Phong |
Tôi không thể nào quên thời còn làm Tổng Biên tập Năng Lượng Mới, sau chuyến đi công tác ở các công trình dầu khí, nhà báo Nguyễn Như Phong về đến TPHCM. Ăn trưa xong, ông lên phòng phóng viên và nhờ một phóng viên có khả năng gõ máy tính nhanh và chính xác gõ hộ bài, ông đọc vo, còn phóng viên đánh máy tốc ký lại.
Ông ngồi nhắm mắt như đang thiền định và đọc từng câu, từng chữ, chính xác đến từng con dấu. Hầu như không có chuyện câu cú lộn xộn, chấm phẩy linh tinh Những câu ông đọc ra đều không hề bị vấp hay không phải chỉnh sửa lại.
Các phóng viên dù cúi mặt vào máy tính làm việc nhưng đôi tai vẫn luôn chú ý lời ông, đôi mắt như ở sau lưng để quan sát. Ông có một khả năng thiên phú, tuyệt vời mà ít nhà báo nào có thể có, đó là khả năng “chạy chữ” trong đầu. Chỉ chưa đầy 60 phút, bài phóng sự có độ dài gần 3.000 chữ đã hoàn thành. Mà điều rất lạ là hầu như ông không bao giờ mở sổ ghi chép… Dường như mọi số liệu, tình tiết, nội dung buổi làm việc đã in sâu trong đầu, chỉ có việc đọc ra mà thôi.
Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu khi còn là phóng viên báo An ninh thế giới cũng đã từng chứng kiến ông đọc cho ba nhân viên gõ bài cho ba báo khác nhau… Cứ người này một câu lại chuyển sang người khác.
Mà không chỉ có đọc vo bài báo, ông còn đọc vo cả cuốn tiểu thuyết hàng trăm trang. Có điều lạ, ông viết cuốn tiểu thuyết với hàng chục nhân vật, với vô vàn tình tiết mà không hề có đề cương… Ông đọc vào máy ghi âm từng chương, rồi sau đó đưa cho nhân viên gỡ băng. Có hai người gỡ băng cho ông rất “cao thủ”, đó là chị Như Lan em gái của ông và Thu Hường, thư ký của ông tại báo Năng Lượng Mới. Có lần ông bảo “Đọc xong một cuốn tiểu thuyết, thấy mình như bị kiệt sức và… quên sạch”.
Nhà báo Nguyễn Như Phong có thể viết báo mọi lúc, mọi nơi |
Sự kinh ngạc của phóng viên dành cho ông lớn đến bao nhiêu thì họ phải cố gắng học hỏi để làm việc cật lực bấy nhiêu. Nhiều lúc các phóng viên hay nói vui: “Mỗi lần thấy sếp sắp ra mắt loạt phóng sự trên báo là anh em chúng tôi lại thoải mái”. Phóng sự của nhà báo Như Phong thường là dài kỳ. Kỳ này nối tiếp kỳ sau với mạch câu chuyện đan xen đầy cuốn hút.
Nhiều khi bạn đọc gọi về cho Báo Năng Lượng Mới thắc mắc: “Sao dạo này thiếu vắng phóng sự của nhà báo Như Phong?”. Và không phải chờ đợi lâu, bạn đọc lại được đọc các loạt phóng sự của ông trên báo như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Ông rất cưng chiều phóng viên viết bài nhiều và có những bài viết chất lượng. Các tin bài trên báo giấy lẫn báo điện tử ông đọc đều không bỏ sót dù một mẩu tin. Dăm hôm không thấy phóng viên có bài, ông liền gọi điện thoại hỏi thăm, nhắc nhở hoặc giục đi viết bài. Tuyệt nhiên, ông phân định rạch ròi, phóng viên chỉ việc đi viết, sản phẩm là bài viết và nghiêm cấm phóng viên làm kinh tế.
Nhưng đó là những quãng thời gian nhiều năm về trước, khi đó khái niệm về “kinh tế báo chí” hay những vấn đề về “báo chí làm kinh tế như thế nào” chưa được đặt ra nhiều. Người dân sẵn sàng đặt mua báo dài kỳ chỉ để đọc bài của một tác giả trong tòa soạn mà họ cảm thấy yêu mến. Hoặc giả như, một loạt phóng sự hay, gây tiếng vang sẽ được bạn đọc chờ đón và báo bán hết veo. Báo Năng Lượng Mới khi đó có lượng phát hành vài vạn bản trong một kỳ cũng nhờ những loạt phóng sự dài kỳ của nhà báo Nguyễn Như Phong.
“Tội vạ đâu… tao chịu”
Thời gian gần đâu, những loạt phóng sự gây ấn tượng mạnh với bạn đọc trên báo chí bắt đầu thiếu vắng. Đây là điều mà nhà báo Như Phong đã tiên liệu hơn 10 năm trước.
Nhà báo Nguyễn Như Phong trong một cuộc phỏng vấn với các cơ quan báo đài |
Khi mạng xã hội bắt đầu trả tiền cho người sáng tạo nội dung thì một số phóng viên bắt đầu đi “hai hàng”. Họ vừa viết bài cho báo, vừa sản xuất tin trên mạng xã hội để thu hút lượt xem. Những thông tin, hình ảnh từ hiện trường được các phóng viên thu thập và đăng tải trên mạng xã hội thu hút lượt truy cập lớn.
Báo chí cạnh tranh với mạng xã hội mà thực tế là đang tự cạnh tranh với chính phóng viên tại hiện trường. Nhà báo Nguyễn Như Phong đặc biệt chú ý và nhắc nhở các phóng viên về chuyện sử dụng mạng xã hội chỉ là hỗ trợ cho công việc. Ông nhiều lần cảnh báo phóng viên không dùng mạng xã hội để kiếm like hoặc mục đích cá nhân để mưu cầu lợi ích riêng.
Nhà báo Nguyễn Như Phong tác nghiệp trên nhà giàn |
Vẫn khoảng độ 10 năm trước, nhà báo Nguyễn Như Phong chia sẻ, ông cực ghét một số trang mạng chuyên đi nhặt nhạnh, cóp bài từ các báo khác để thu hút độc giả. Ông không ngại ngần khi “vạch mặt, chỉ tên” các trang mạng này và khẳng định đây là hành vi “ăn cướp”. Đối với nhà báo Như Phong, mỗi tác phẩm của người viết phải được trân trọng, nâng niu. Vì khi sản phẩm báo chí ra đời, phóng viên phải đánh đổi bằng công sức, trí tuệ và cả tính mạng để có được những bài viết “đúng - trúng - hay”.
Khi thực hiện những tuyến bài gai góc hay đứng trước dự báo sẽ vấp phải sự nguy hiểm cho phóng viên, nhà báo Nguyễn Như Phong thường nói: “Phải thu thập tài liệu thật đầy đủ, viết thật chính xác, còn tội vạ đâu… tao chịu!”. Ông thường hay xưng hô với phóng viên “mày – tao” cũng như một thói quen và có sự thân mật đặc biệt. Ông không bao giờ đổ lỗi cho phóng viên bất cứ việc gì, mà luôn nhận thiếu sót về mình. Chả thế mà Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, khi còn là Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân từng mắng ông Phong: “Anh bênh lính của anh vừa thôi. Cái gì anh cũng nhận là anh sai, anh sơ xuất…”.
Ngày đăng: 14:09 | 21/06/2024
Đỗ Hưng / ngaynay.vn