Ngày 10/8/1961 ghi dấu việc Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam, một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến, ở Việt Nam.
Ảnh: Word Press
Chất độc màu da cam/dioxin là cụm từ chỉ các chất độc chứa dioxin, loại chất diệt cỏ được xếp vào nhóm độc tố nguy hiểm nhất thế giới, không chỉ bởi khả năng gieo rắc cái chết mà còn cả những di chứng để lại cho nhiều đời sau. Cái tên chất độc da cam xuất phát từ các thùng có sơn màu da cam, dùng để vận chuyển loại chất diệt cỏ này.
Vào năm 1961, tình hình chiến tranh Việt Nam diễn tiến theo chiều hướng khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Mỹ vô cùng lo ngại. Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm là người đầu tiên đề nghị Mỹ dùng chất độc da cam làm vũ khí đẩy lui lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 12/4/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận được một bản kiến nghị về hoạt động quân sự tại Việt Nam, bao gồm cả đề xuất sử dụng chất độc da cam.
Ngay sau đó, Phó Tổng thống Mỹ B.Johnson tới Sài Gòn và cho thành lập Trung tâm nghiên cứu quân sự nhằm phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có việc sử dụng hóa chất này để hủy diệt những khu rừng, chặn đường ẩn náu và cung cấp lương thảo, vũ khí của quân đội miền bắc Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhìn chung ủng hộ kế hoạch, với lí do chất diệt cỏ là phương tiện hiệu quả và kinh tế nhất để phá hủy những khu rừng. Song, một số nhân nhân vật có ảnh hưởng trong Bộ Ngoại giao Mỹ, nổi bật là Roger Hilsman và Averell Harriman, lại kiên quyết phản đối ý định. Họ lo ngại chiến dịch có thể ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Mỹ với người dân Việt Nam và khiến Mỹ bị buộc tội xúc tiến một dạng chiến tranh hóa học.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: NYT
Tuy nhiên, Washington rốt cuộc vẫn phê chuẩn việc sử dụng chất độc da cam/dioxin. Ngày 10/8/1961, Mỹ lần đầu tiên điều máy bay H34 phun rải chất độc này theo con lộ 14 thuộc tỉnh Kon Tum của Việt Nam, mở đầu cho hành động hủy diệt tàn bạo kéo dài hơn 10 năm sau đó.
Ngày 24/8/1961, Ngô Đình Diệm tiếp tục cho rải thử nghiệm chất độc da cam ở miền nam Việt Nam và đến tháng 11 cùng năm, Tổng thống Mỹ Kennedy ra lệnh chính thức tiến hành chiến dịch Ranch Hand, sử dụng độc chất này với quy mô lớn chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Với nhiều người, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ xúc tiến ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Tại hội thảo "Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin được Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8/2016, 100 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế lần đầu tiên thống nhất rằng, chỉ trong vòng hơn 10 năm (1961 - 1971), Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong số đó là chất độc da cam, xuống 26.000 thôn, bản của Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu héc-ta. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần.
Tổng cộng có tới 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ.
Hai bé gái đang đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam hủy hoại. Ảnh: VAVA
Chất độc da cam đã làm môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn. Nó làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân với biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ phải hứng chịu.
Một em bé bị tật bẩm sinh vì phơi nhiễm chất độc da cam. Ảnh: World Nomads Journals
Ngoài hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm độc chất đáng sợ này, con cháu của họ cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba.
Người mẹ đang phải chăm sóc hai đứa con bị di chứng chất độc da cam. Ảnh: dw.com
Không chỉ có người dân Việt Nam, mà ngay cả những binh lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia... tham chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968 - 1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết. Nước Mỹ sau chiến tranh còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội.
Trong thời gian qua, đã có rất nhiều vụ kiện lên tòa án Mỹ liên quan đến tác hại của chất độc màu da cam và hậu quả nó để lại sau chiến tranh Việt Nam. Song, Chính phủ Mỹ đã sử dụng điều luật miễn trừ trách nhiệm, cho phép chính phủ không thể bị kiện, ngay cả trong trường hợp cáo buộc sơ suất.
Ảnh: HowStuffWorks
Do đó, các vụ kiện bắt đầu chuyển hướng cáo buộc các công ty hóa chất đã sản xuất và bán chất độc màu da cam cho quân đội Mỹ, phạm tội ác chiến tranh và đòi bồi thường. Tuy nhiên, các công ty chỉ chấp nhận bồi thường cho các cựu binh Mỹ. Đối với những vụ kiện đòi quyền lợi cho người Việt Nam, các doanh nghiệp này đưa ra nhiều lý do để chối bỏ trách nhiệm, từ việc sự cố đã xảy ra quá lâu tới việc họ chỉ là nhà thầu phụ làm theo lệnh của Chính phủ Mỹ hay không có bằng chứng chắc chắn cho thấy ảnh hưởng của chất diệt cỏ với sức khỏe con người.
Trước sức ép của công luận và tiến triển tích cực của quan hệ Việt - Mỹ, phía Mỹ đã có những đóng góp bước đầu cho việc khắc phục nỗi đau da cam. Tính đến ngày 1/1/2016, Chính phủ Mỹ đã chuẩn chi 173 triệu USD tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ trung ương đến các địa phương và các tổ chức nhân quyền khẳng định sẽ tiếp tục vận động, đấu tranh để buộc Mỹ phải có trách nhiệm trước tội ác chống lại loài người đã gây ra trên mảnh đất này.
Ngày 25/06/2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hàng năm là ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
Tuấn Anh
Thêm hai công ty dược Trung Quốc sản xuất thuốc tim chứa chất độc
Hai công ty Rundu Pharma và Tianyu Pharm của Trung Quốc thừa nhận có chất độc gây ung thư trong các lô thuốc Valsartan bán ở Đài Loan. |
\'Phù phép\' hồ sơ của nạn nhân chất độc da cam thật để người khác hưởng trợ cấp
Trong khi người đi kháng chiến thật chưa được xét duyệt chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc da cam, thì ... |
Người phụ nữ dính chất độc thần kinh Novichok ở Anh đã tử vong
Bà Dawn Sturgess, 44 tuổi, nhập viện từ hôm 30/6 cùng ông Charlie Rowley, 45 tuổi, với các triệu chứng tương tự cựu điệp viên ... |
Ngày đăng: 09:24 | 10/08/2018
/ http://vietnamnet.vn