“Làng rượu cồn” hay “thủ phủ rượu độc” là những danh xưng cay đắng mà người ta đặt cho thôn Đại Lâm (Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh). Danh xưng ấy có từ bao giờ, không ai nhớ chính xác, nhưng có một điều chắc chắn mà những người nấu rượu truyền thống ở thôn đều rất đỗi tự hào: Rượu Đại Lâm từng có thời nức tiếng xa gần, từng được tiến vua và được người đời phong là “Đại Lâm mỹ tửu”.
Rồi bão tố mưa sa cũng kéo đến, khi gần đây, một số kẻ cơ hội ở Đại Lâm tìm ra phương pháp làm rượu mới là nước lã pha cồn công nghiệp. Từ chỗ hàng trăm hộ nấu rượu thì nay chỉ còn vài chục gia đình đỏ lửa, vẫn đau đáu giữ nghề của cha ông.
Kỳ lạ thay, dù số lò nấu rượu giảm đi đến 9/10, nhưng số lượng rượu bán ra thị trường thì lại tăng vọt. Họ pha rượu bằng máy bơm công suất lớn, xả thẳng nước vào phuy cồn, “đo độ rượu” thế là đầy đủ công đoạn. Không cần nhà xưởng, cứ lấy vệ đường làm chỗ tập kết thùng phuy rượu cồn.
Các cơ quan báo chí nhiều lần vào cuộc phản ánh tình trạng kinh doanh bất nhân nhưng cứ năm này qua năm khác, Đại Lâm vẫn lại xuất hiện trên mặt báo với những danh xưng cay nhức: “làng rượu cồn”, “pháo đài rượu rởm”, “thủ phủ rượu độc”, như một bằng chứng khó thể tẩy rửa về lối làm ăn điêu trá.
Những ngày này, theo quan sát của PV Lao Động, nổi bật 2 bên lối đi độc đạo dẫn vào làng vẫn là những thùng phuy xanh 200 – 300 lít dựng lên sừng sững như những pháo đài kiên cố. Chúng tôi, nhìn thấy ít nhất 4 điểm tập kết thùng phuy như vậy ngoài mặt đường.
Dẫu vậy, dù PV hóa trang dưới mọi “bộ dạng” để xâm nhập các lò rượu thì đi đằng nào cũng bị dò xét, phát hiện. Người Đại Lâm đã quá cảnh giác rồi (?!).
Tạp hóa T.K với nhiều thùng phuy xanh trước cửa ở mạn cuối làng, khi chúng tôi đóng vai dân buôn về nhập rượu bán Tết, bà cụ chủ quán sau một hồi lưỡng lự bèn giới thiệu đến một địa điểm khác để mua với lý do “nhà không có rượu”.
PV thắc mắc: “Bên trong phuy xanh cháu tưởng là rượu?”, bà cụ buột miệng thật thà: “Bên trong đấy là cồn chứ không phải rượu”. Bất thình lình, một người đàn ông (có thể là con trai cụ) đi ra, ánh mắt dò xét một hồi rồi tỏ ra bực tức: “Đã bảo là không có rượu rồi, hỏi gì lắm thế!”.
Một tạp hóa khác có tên Q.H thì bị chúng tôi chứng kiến toàn bộ "quy trình mờ ám". Bên ngoài cửa tạp hóa là 3 thùng phuy cỡ 200 – 300 lít. Bên trong cánh cửa kéo khép hờ, căn phòng rộng vài chục mét vuông là nhiều thùng phuy khác san sát cùng một hệ thống máy bơm nước.
Người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang cầm vòi nước dẫn nước vào những thùng phuy. Khi PV vào hỏi mua rượu buôn, người phụ nữ giật mình hoảng hốt, ngay sau khi trấn tĩnh lại, bà này kéo xoẹt cánh cửa lại, che đậy lại toàn bộ những khung cảnh mờ ám bên trong rồi nhảy tót ra bên ngoài nói chuyện.
Tuy vậy, chỉ khoảng 5 phút sau, nhóm PV trở lại, cánh cửa của tạp hóa Q.H lại mở hờ và hành động cầm vòi dẫn nước vào thùng phuy của người phụ nữ lặp lại.
Chỉ cách đó vài trăm mét, một người phụ nữ trung niên khác lại hồn nhiên thực hiện những công đoạn này ngoài đường. Gần chục phi nước dựng sừng sững. Một vài chiếc săm bên trong đầy ặc dung dịch lỏng nằm lăn lóc như lũ lợn con bên cạnh. Người phụ nữ lấy chiếc xô gò bằng kim loại có ống nhỏ ở đầu múc nước từ thùng phuy xanh dẫn vào săm. Mỗi chiếc săm “no căng” lại có chiếc săm khác thay thế để tiếp tục công đoạn.
Tò mò, chúng tôi cố đi sát gần hơn để mục sở thị thì mùi cồn xộc thẳng vào mắt, vào mũi cay xè. Tưởng chừng, nếu có xoè bật lửa ga cũng khiến không khí bị đốt cháy vì mùi cồn trong không khí quá đậm đặc.
Thắc mắc về những chiếc săm ôtô cũ nát này, đi sâu vào tìm hiểu, được biết, đây là phương thức đã quá nổi tiếng đến mức thành huyền thoại của những gian thương. Việc này vừa tránh bị va đập dẫn đến hao hụt rượu, vừa là một cách bảo quản rượu vô cùng kinh tế...
Chị H.L (48 tuổi), một trong số ít người còn giữ lại nghề nấu rượu truyền thống ở làng Đại Lâm khẳng định: “Đấy là họ làm rượu cồn. Cứ đổ cồn, nước lã với hương liệu là thành. Trước bị phản ánh nhiều nên giờ họ rất cảnh giác, chỉ bán cho những mối quen...”.
Cũng theo tiết lộ của người phụ nữ này, loại rượu cồn được bán với giá 6.000 – 8.000 đồng/lít, thường sẽ có những xe ôtô về chở hàng đi đến nhiều tỉnh thành khác để tiêu thụ.
Cụ ông N.V.L, một cao niên trong làng với nhiều năm kinh nghiệm chưng cất rượu truyền thống hảo hạng, than thở: “Chúng nó làm rượu như thế rồi sẽ “bóp chết” những hộ nấu rượu tử tế, đàng hoàng”.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Tôn - Chủ tịch xã Tam Đa - cho biết, cả thôn Đại Lâm có hơn 1.000 hộ. Trước đây có đến hơn 500 hộ làm nghề nấu rượu thì nay chỉ còn vài chục hộ giữ nghề.
Ông Tôn cũng thừa nhận "rượu cồn" từng là vấn nạn của Đại Lâm nhưng hiện giờ đã giảm nhiều, chỉ còn lác đác các hộ làm "chui", vì nếu bị phát hiện sẽ xử phạt rất nặng...
Rượu “quốc lủi” cũng phải đăng ký, dán tem
Nhiều ý kiến cho rằng việc quản lý “quốc lủi” không dễ dàng đối với cơ quan chức năng. |
Từ tháng 11/2017, dưới 18 tuổi không được mua rượu, cấm hộ gia đình nấu rượu thủ công
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, theo đó, cấm hộ gia đình không được sản xuất rượu thủ công, cấm bán rượu ... |
Ngày đăng: 16:36 | 15/02/2018
/ https://laodong.vn