Ngày Gia đình Việt Nam, 28/6 hàng năm, là mốc thời gian quan trọng để cho những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc.
Hạnh phúc mẹ và con. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân; là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội, góp phần xây dựng và làm rạng rỡ thêm truyền thống văn hóa Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử.
Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, Ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay đã chọn chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình."
Gia đình - nền tảng vững chắc của xã hội
Được hình thành và phát triển trong suốt tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữa nước của dân tộc, gia đình truyền thống Việt Nam là sự kết tinh của những tinh hoa văn hóa tinh thần cao quý của dân tộc.
Gia đình vừa là tấm gương phản chiếu trung thực những giá trị to lớn của văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa là nơi sáng tạo, lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trải qua nhiều thế hệ, truyền thống gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội, giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống. Trong đó, đạo đức là cốt lõi của văn hóa gia đình Việt Nam truyền thống và được thể hiện cụ thể qua gia giáo (giáo dục trong gia đình), gia pháp (phép tắc sống của gia đình), gia phong (phong cách, nề nếp) và gia lễ (là phép ứng xử trong gia đình theo một nguyên tắc có tôn ti, trật tự, theo lễ tiết hay việc thờ cúng tổ tiên).
Tuy chịu ảnh hưởng từ nho giáo, những nội dung căn bản này đã được Việt hóa, góp phần tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Và nét đặc sắc nhất trong gia đình truyền thống chính là trọng tình trọng nghĩa.
Điều này được thể hiện một cách sáng rõ trong đời sống gia đình Việt Nam qua sự yêu thương, che chở, thủy chung, nhường nhịn, hiếu thảo, kính trên nhường dưới... giữa các thành viên trong gia đình.
Trong những năm gần đây, thiết chế gia đình Việt Nam đang có sự thay đổi từ truyền thống (3,4 thế hệ cùng sống chung) sang hiện đại (hai thế hệ: cha mẹ và con cái), song văn hóa gia đình vẫn tương đối ổn định và được tôn trọng.
Gia đình công nhân Nhà máy đèn Yên Phụ, Hà Nội chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi (1959). (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Những quan niệm cơ bản về vị trí, vai trò của gia đình đối với sự tồn tại, phát triển của cá nhân và đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, gia đình vẫn là tổ ấm, là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc, che chở và là nơi nương tựa của mỗi người trong suốt cuộc đời.
Từ khi sinh ra đến khi rời bỏ cõi đời, trong cuộc đời mỗi người không đâu có được những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, bền vững như trong gia đình.
Hiện nay, gia đình Việt Nam đang được xây dựng với những giá trị nhân văn tiến bộ theo tiêu chí ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ và cởi mở hơn. Quyền và lợi ích của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Đời sống của các gia đình được cải thiện cả về vật chất, văn hóa và tinh thần nên trẻ em được gia đình tạo điều kiện tốt cho sự hình thành, phát triển nhân cách và thể chất.
Cùng với đó, gia đình Việt Nam đang tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới mà tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa nam và nữ trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng.
Tỷ lệ phụ nữ cùng tham gia quyết định các công việc quan trọng của gia đình như sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ngày càng cao. Sự thay đổi này là cần thiết và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội mới.
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa gia đình
Tuy nhiên, xã hội hiện đại cũng làm phát sinh nhiều vấn đề mới. Trong đó, có việc những bạn trẻ đến với nhau vì những phút nông nổi hoặc vì những giá trị vật chất, để rồi gia đình tan vỡ, con cái chịu cảnh mồ côi; các bậc cha mẹ vì quá bận rộn nên không dành nhiều thời gia quan tâm chăm sóc con cái hay những vị phụ huynh ép con học quá nhiều vì những kỳ vọng lớn lao về con; hoặc việc con cái dùng những lời lẽ không hay, không đúng phép tắc với bố mẹ; nạn quấy rối, xâm hại trẻ em...
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới - 1900969680 - đã tiếp nhận 347 cuộc gọi của những người phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Các cơ quan, chính quyền địa phương đã tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho những trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp.
Số phụ nữ đến các “Ngôi nhà bình yên” ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này là 72 người tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.
Có thể thấy, bạo lực gia đình ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần của phụ nữ và trẻ em, phá vỡ những giá trị truyền thống tốt đẹp về gia đình.
Chính vì vậy, xã hội càng hiện đại, chúng ta lại càng phải giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình, như yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em; "kính trên, nhường dưới", "chị ngã, em nâng"... Những truyền thống này đã thấm sâu trong mỗi người con đất Việt, góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc.
Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người; coi xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các em thiếu nhi thi vẽ tranh chủ đề "Gia đình của em." (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN) |
Và việc chọn Ngày 28/6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam càng khẳng định trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội phải thường xuyên quan tâm, xây dựng gia đình no ấm và bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; đồng thời, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.”
Ngày Gia đình Việt Nam chính là mốc thời gian quan trọng để cho những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc./.
Hạnh phúc gia đình: Các thành viên trong gia đình cùng hướng về nhau
Để có hạnh phúc, mỗi thành viên trong gia đình phải cùng chung tay xây dựng bằng sự tin tưởng, tôn trọng, yêu thương bình ... |
Ngày đăng: 14:47 | 28/06/2020
/ www.vietnamplus.vn