Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, ngày 22/4 thêm 20.203 người được tiêm vaccine Covid-19, số cao nhất theo ngày tại Việt Nam, tính đến nay.
Như vậy, tổng cộng đến nay 128.610 người đã được tiêm vaccine Covid-19, tính cả hai đợt một và hai. Họ đều thuộc nhóm ưu tiên trên tuyến đầu chống dịch.
Quảng Nam là địa phương hôm nay lần đầu tiên tổ chức tiêm. 50 lãnh đạo, nhân viên Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam đã được tiêm sáng 23/4.
"Hiện tất cả đều ổn định sức khỏe", ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói. Ông cũng là một trong những người tiêm đầu tiên ở tỉnh, sau khi tiêm sức khỏe bình thường.
Tỉnh được Bộ Y tế phân bổ 8.400 liều vaccine AstraZeneca. Quy trình tổ chức, bố trí điểm tiêm, nhân lực tiêm, quy trình tiêm chủng vaccine... được thực hiện nghiêm túc. Mỗi người đều phải ký vào phiếu đồng thuận và được khám sàng lọc trước khi tiêm.
Theo kế hoạch, ngày 23/4-5/5 tỉnh đồng loạt tiêm đợt một tại 22 điểm, cho nhóm ưu tiên là người tham gia phòng chống dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã... Tại mỗi điểm tiêm, ngành y tế bố trí một đội cấp cứu thường trực. Người được tiêm chủng phải theo dõi bắt buộc ít nhất 30 phút tại cơ sở y tế, tự theo dõi tại nhà trong 24 giờ và trong vòng 7 ngày sau tiêm chủng.
Nhân viên y tế Quảng Nam chuẩn bị tiêm vaccine AstraZeneca. Ảnh: Đắc Thành. |
Huế bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 ngày 22/4. Bệnh viện Trung ương Huế nhận 3.000 liều, triển khai tiêm cho 3.000 nhân viên y tế thuộc các khoa phòng, trung tâm trong toàn viện. Theo kế hoạch, tiêm chủng đợt một sẽ diễn ra từ nay đến ngày 27/4.
Bệnh viện bố trí 5 tổ tiêm chủng, với gần 50 nhân viên là các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp tham gia khám sàng lọc trước tiêm, tiêm chủng, công tác cấp cứu sau tiêm. Dự kiến 400-600 người được tiêm mỗi ngày.
Trong ngày đầu tiên, bệnh viện đã tiêm chủng cho gần 600 nhân viên y tế. Các bác sĩ trong ban giám đốc bệnh viện đã được tiêm những mũi vaccine đầu tiên. Hiện chưa trường hợp nào ghi nhận có phản ứng nghiêm trọng hoặc rối loạn đông máu sau tiêm. Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế hết thời gian theo dõi sau tiêm đã trở lại làm việc bình thường.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, là bệnh viện tuyến đầu trong công tác phòng chống Covid-19 tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong ba đợt dịch, bệnh viện đã điều trị nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.
GS.TS Phạm Như Hiệp là người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 tại Huế. Ảnh: Lan Hương |
Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 8/3 đến nay, cho 11 nhóm ưu tiên chống dịch. Vaccine Việt Nam đang sử dụng là của AstraZeneca, với tổng cộng gần một triệu liều, trong đó hơn 117.000 liều được mua qua Công ty VNVC, hơn 800.000 liều được cung ứng qua cơ chế Covax của Liên Hợp Quốc. Tính đến ngày 22/4, hơn 128.000 người đã được tiêm vaccine, tỷ lệ phản ứng quá mức là một phần nghìn, trong mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Đắc Thành - Võ Thạnh
Hơn 9.100 người TP HCM đã tiêm vaccine Covid-19
9.155 nhân viên y tế, nhân viên các khu cách ly tập trung tại TP HCM đã được tiêm ít nhất một liều vaccine AstraZeneca, ... |
Thêm 20.000 liều vaccine Covid-19 cho Hà Nội, các viện
20.000 liều vaccine Covid-19 AstraZeneca đợt hai cấp cho Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia được Bộ Y tế phân bổ lại phần ... |
Ngày đăng: 21:52 | 23/04/2021
/ vnexpress.net