Dịch COVID-19 khiến giao thương trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đã dịch chuyển sang hình thức trực tuyến và hiện đang phát triển mạnh mẽ, chiếm 9% tổng giá trị giao dịch toàn cầu.

Trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), sản phẩm thuộc ngành F&B đang là danh mục mới nổi và có tiềm năng lớn kể từ khi dịch bùng phát, nhu cầu người mua tăng mạnh so với nguồn cung. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN) ngành F&B đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu (XK).

Thống kê từ sàn TMĐT Alibaba, trong năm 2021, nhu cầu đối với các sản phẩm thuộc ngành F&B trên Alibaba đã tăng vọt hơn 40% so cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung các sản phẩm ngành F&B không đủ để cung ứng nhu cầu người mua, với tỷ lệ cứ 1 nhà bán hàng tiếp cận trung bình 15 người mua tiềm năng mỗi ngày. Trong top 10 ngành hàng XK của Việt Nam trên Alibaba, ngành F&B đứng ở vị trí đầu bảng với nhiều sản phẩm được tiêu thụ mạnh như: Các loại thức uống, hải sản, gia vị, hoa quả, bánh… Đặc biệt, thông qua sàn TMĐT, nhiều DN Việt Nam trong ngành F&B cũng đã tiếp cận và bán hàng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong lĩnh vực thực phẩm, chị Bùi Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chocolatier Huyền Thoại Việt Nam cho biết, với sản phẩm sôcôla sử dụng nguyên liệu thuần Việt, sau khi sản xuất kinh doanh thành công ở thị trường trong nước, DN đã mở rộng ra thị trường nước ngoài, và thông qua sàn TMĐT sản phẩm của DN đã nhanh chóng được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Ngành thực phẩm, đồ uống: Cung không đủ cầu -0

Nhiều loại thực phẩm chế biến hiện nay nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

"Đơn đặt hàng tăng nhanh từ 20 đến 50 đơn hàng/tháng khi chúng tôi tăng từ 2 sao lên 3 sao. Khách hàng thực sự có nhu cầu mua sản phẩm cao hơn trước. Chúng tôi đã không ngừng mở rộng mô hình kinh doanh, trang bị máy móc hiện đại tiên tiến để phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng và chất lượng nhất". Tương tự, trong lĩnh vực đồ uống, Công ty TNHH nước giải khát Tân Đô cũng thành công trong việc đưa sản phẩm của DN tiếp cận hơn 30 quốc gia trên thế giới thông qua sàn TMĐT...

Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngành này cũng khá lớn. Nhiều DN F&B đua nhau đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT để chào bán. Đơn cử như TikiNGON của sàn TMĐT Tiki. Sau khi khởi động, ngành hàng này đã nhanh chóng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhờ hình thức đi chợ online ngày càng được ưa chuộng. Đây cũng là ngành hàng được đầu tư lớn nhất của Tiki. Trung bình mỗi tháng, TikiNGON thu về 5 triệu lượt xem sản phẩm cùng 20.000 lượt khách hàng ổn định.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết: "Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, các DN bị ảnh hưởng nhiều và hầu hết các DN hội viên của ngành lương thực, thực phẩm cũng gặp khó khăn để duy trì ổn định sản xuất. Tuy nhiên, xác định ngành F&B là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nên chúng tôi đã nhanh chóng điều chỉnh các mô hình sản xuất. Đến nay, 100% DN đã đi vào ổn định sản xuất".

Trên thực tế, các DN ngành chế biến lương thực thực phẩm phần lớn là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nên quy mô sản xuất không lớn, công nghệ máy móc cũng chưa hiện đại. Chính vì vậy nên chỉ có một số ít DNXK, DN sản xuất lớn, có hoạt động bán hàng trên TMĐT để vừa mở rộng thị trường, vừa tìm kiếm thêm khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng (NTD) đã dịch chuyển mạnh mẽ từ hình thức mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng sang mua sắm online, nên buộc tất cả các DN trong ngành thực phẩm phải thay đổi tư duy, phải chạy đua bán hàng trên TMĐT để tránh sự đào thải trong cuộc cạnh tranh.

Theo khảo sát của FFA, nhu cầu mua sắm trực tuyến của NTD Việt trong suốt thời gian xảy ra dịch COVID-19 chủ yếu là các mặt hàng: thực phẩm tươi sống; thực phẩm sạch và lành mạnh; thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và hữu cơ; thực phẩm tăng cường dinh dưỡng, hệ miễn dịch; sữa và các sản phẩm sữa; nước trái cây, đồ uống không có cồn… Các loại sản phẩm này tiếp tục duy trì tiêu thụ sau dịch với tỷ lệ gia tăng rất tốt trên nền tảng TMĐT. Có nhóm sản phẩm tỷ lệ mua hàng trên kênh trực tuyến chiếm đến 91%.

"Kết quả khảo sát trên cho thấy, TMĐT chính là "chìa khóa" thành công cho sự phát triển của ngành thực phẩm, đồ uống, và chắc chắn sẽ là một xu hướng bắt buộc do sự thay đổi liên tục của công nghệ, nhu cầu của khách hàng và xu hướng thị trường. Vì vậy, DN phải đẩy mạnh bán hàng đa kênh trên TMĐT, áp dụng chuyển đổi số để thích ứng và đổi mới, không chỉ để phục vụ cho NTD Việt, mà còn để tiếp cận với khách hàng trên thế giới", đại diện FFA cho biết.

Bà Lý Kim Chi cũng khẳng định, mặc dù TMĐT hứa hẹn mang đến cho NTD sự tiện lợi, giá cả cạnh tranh, nhưng thiếu một hệ sinh thái cho logistics. Việc không phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics đi đôi với sàn TMĐT đang là vấn đề, thách thức lớn cho DN ngành chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống. Đồng thời, đây cũng là điều trở ngại cho việc thúc đẩy NTD sử dụng kênh TMĐT. Vì vậy, cần tháo gỡ điểm nghẽn này để giúp DN ngành lương thực thực phẩm, đồ uống thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày cao của NTD.

Thúy Hà

Học sinh nôn mửa tập thể vì ăn đồ hỏng, hiệu trưởng khóc lóc phân trần Học sinh nôn mửa tập thể vì ăn đồ hỏng, hiệu trưởng khóc lóc phân trần
Giá thực phẩm leo thang mãi không xuống, người bán, người mua cùng "méo mặt" Giá thực phẩm leo thang mãi không xuống, người bán, người mua cùng "méo mặt"
Giá thực phẩm "chạm nóc" trong 11 năm, nạn đói len lỏi châu Á hậu đại dịch Giá thực phẩm "chạm nóc" trong 11 năm, nạn đói len lỏi châu Á hậu đại dịch

Ngày đăng: 08:49 | 29/11/2021

/ cand.com.vn