Ngày 31-3, truyền thông bản địa dẫn số liệu Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất trong tháng 3-2024 đã đạt 50,8 điểm, tăng so với mức 49,1 điểm của tháng 2-2024, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Chỉ số PMI trên 50 cho thấy, có sự cải thiện so với tháng trước.

trung-quoc-tiep-tuc-la-cong.jpg
Trung Quốc tiếp tục là công xưởng quan trọng của thế giới.

Trước đó, một cuộc khảo sát do Bloomberg tiến hành cũng dự báo PMI khu vực sản xuất sẽ tăng trở lại từ tháng 3 nhưng với mức thấp hơn là 50,1 điểm. Chỉ số PMI khu vực phi sản xuất cũng đạt 53 điểm, tăng so với 51,4 điểm của tháng 2.

Những số liệu mới được xem là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang phục hồi sau khi dỡ bỏ các hạn chế do dịch Covid-19. Trước đó, các báo cáo cũng ghi nhận giá tiêu dùng tháng 2-2024 ở Trung Quốc tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8, chấm dứt chuỗi tháng giảm liên tiếp gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một tín hiệu khả quan nữa cũng xuất hiện, khi xuất khẩu của nước này trong 2 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng vượt dự báo. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp mục tiêu, phát hành trái phiếu chính phủ nhằm tăng chi ngân sách cho cơ sở hạ tầng và phục hồi hoạt động kinh tế. Chỉ số tiêu dùng trong tháng 2 đã tăng trở lại, lần đầu tiên kể từ tháng 8-2023.

Trong năm 2023, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2%, mức thấp nhất kể từ những năm 1990, không kể giai đoạn đại dịch Covid-19. Bắc Kinh mới đây tuyên bố đặt mục tiêu đạt tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024.

 https://hanoimoi.vn/nganh-san-xuat-cua-trung-quoc-tro-lai-thoi-ky-tang-truong-662372.html

Ngày đăng: 16:30 | 01/04/2024

Hoàng Linh / HNM