Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định, tình hình dịch bệnh do virus Corona gây ra đang ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chịu “tổn thương” lớn nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết phải nhanh chóng tìm thị trường mới cho nông sản Việt, ngoài thị trường Trung Quốc.

Biến thách thức thành thời cơ

Chiều 3.2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh do virus Corona. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona đã lây lan sang 27 quốc gia và tiếp tục mở rộng

“Việc này có thể nhìn thấy tương lai rất ảm đạm cho phát triển kinh tế toàn cầu”-  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.

 Toàn cảnh hội nghị họp bàn tìm cách "cứu" nông sản Việt trước tình hình dịch bệnh Corona.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các ngành sẽ chịu tác động, nhưng nông nghiệp là ngành "tổn thương" lớn nhất.

Vì Trung Quốc là thị trường "khổng lồ" của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Có nhiều nhóm nông sản như thanh long, dưa hấu có tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, lên đến 80%...

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị này là muốn chúng ta cùng họp bàn, nhận dạng đúng, chính xác tác hại trực tiếp của virus Corona với nông nghiệp Việt Nam.

Chúng tôi mời lãnh đạo địa phương, bộ ngành tham gia với tinh thần khẩn trương, xây dựng các kịch bản để tìm giải pháp, chung tay vượt qua khó khăn. Chúng ta cùng tìm cách biến thách thức thành thời cơ...

Nếu chợ có nguy cơ rủi ro cháy thì không chỉ ngồi đó khóc mà phải xây chợ mới, tức là phải tìm thị trường mới. Không bán hàng chỗ này thì bán chỗ khác”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bà con trồng thanh long dang lao đao vì virus Corona. Ảnh: TTXVN

Nông sản Việt \'lao đao\' vì virus Corona

Thông tin nhanh về tình hình thiệt hại của nông sản Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết hiện việc xuất khẩu sữa đang bị đình trệ.

Các mặt hàng trái cây chủ lực như dưa hấu, thanh long - vốn chiếm tỉ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết, nhưng hiện nay việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

“Qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn. Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ đã diễn ra, do hình thức giao dịch tại các cặp chợ biên giới gặp khó khăn vì các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp.

Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9.2.2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc”, ông Nam thông tin.

Trước ảnh hưởng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số giải pháp khắc phục. Trong đó, Bộ giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các cục chuyên ngành chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới để xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng ngay từ đầu năm 2020, để tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Trong đó đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ sang Dubai (UAE) từ 15.2 để mở rộng thị trường Trung Đông; sang Hoa Kỳ từ 22.2 để phát triển thị xuất khẩu nông sản ở thị trường này. Ngoài ra cũng sẽ đi xúc tiến để phát triển thị trường ở Nhật Bản, Nga, Úc, Châu Âu...

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, thời gian tới Bộ Nông nghiệp sẽ nghiên cứu, tư vấn để điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ, cũng như lợi thế của từng địa phương, để tránh xảy ra việc sản xuất ồ ạt, dư thừa so với nhu cầu thị trường.

Khánh Vũ - Đặng Chung

 

 

 

Ngày đăng: 17:28 | 03/02/2020

/ laodong.vn