Với những mẫu ô tô có mức giá hấp dẫn, năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã chuyển mình mạnh mẽ, vượt qua Đức trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. Các nhà phân tích nhận định, ngành công nghiệp ô tô châu Âu đang đứng trước cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Bốc xếp ô tô xuất khẩu tại một cảng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc)
Theo báo cáo công bố ngày 15-1 từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), năm 2022, Trung Quốc đã xuất khẩu 3,11 triệu ô tô, tăng 54,4% so với năm trước. Trong khi đó, Đức xuất khẩu 2,61 triệu ô tô trong năm 2022, tăng 10% so với năm 2021, theo Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA). Nhật Bản xuất khẩu 3,2 triệu chiếc trong 11 tháng năm 2022, gần như không đổi so với một năm trước đó, theo Nhà cung cấp Dữ liệu ngành ô tô Nhật MarkLines.
Cao Hua, một đối tác tại Công ty cổ phần tư nhân Unity Asset Management, cho biết: “Xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã giúp quốc gia này nổi tiếng là một nhà sản xuất ô tô hùng mạnh, khi các phương tiện chở khách và thương mại được người dân bên ngoài đại lục đón nhận nồng nhiệt. Ô tô điện của Trung Quốc đã giành được thị phần đáng kể ở một số quốc gia đang phát triển và cuối cùng sẽ đưa quốc gia này lên vị trí hàng đầu trong số các nhà xuất khẩu ô tô lớn trên thế giới”. Thị trường ô tô Trung Quốc có thời gian dài bị chi phối vì các thương hiệu nước ngoài như Volkswagen, General Motors, BMW và Mercedes-Benz. Tuy nhiên, vài năm gần đây, các thương hiệu nội địa như BYD và Geely phát triển nhanh chóng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Ngân hàng Đầu tư Citic Securities của Trung Quốc dự báo lượng ô tô xuất khẩu của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể đạt 5,5 triệu chiếc vào năm 2030, trong đó bao gồm 2,5 triệu ô tô điện. Dữ liệu của CAAM cho thấy, ô tô điện đã trở thành một nhân tố quan trọng trong hoạt động xuất khẩu ô tô Trung Quốc. Những thị trường chính của xe điện xuất đi từ Trung Quốc có Bỉ và Anh, với cả hai chiếm gần 70% lượng xe xuất khẩu. Các hãng xe Trung Quốc cũng đang kiểm soát thị phần ở quê nhà, nơi có khoảng 200 hãng sản xuất ô tô điện, với số xe điện nội địa chiếm gần 85% toàn thị trường trong năm 2022.
Theo các chuyên gia, với chuỗi công nghiệp ngày càng hoàn thiện trong ngành ô tô, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh nhất cho ngành này. Quốc gia này đã hội nhập sâu rộng vào hệ sinh thái cung ứng toàn cầu, trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng ô tô quan trọng. Ví dụ, các kỹ sư của Công ty SAIC Motors đã nâng chiều cao của các phương tiện ở các quốc gia có điều kiện đường xá kém, trong khi Hãng Changan Automobile đã phát triển các công nghệ mới có thể làm nóng bộ pin từ -30°C đến -10°C trong năm phút, bảo đảm khả năng tăng tốc và hiệu suất sạc của xe điện trong môi trường cực lạnh.
Sun Bing, Giám đốc điều hành cấp cao phụ trách hoạt động của Great Wall Motors ở châu Âu, cho biết: “Lợi thế của người đi đầu về năng lượng mới và kết nối thông minh của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang mang lại sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng châu Âu về các thương hiệu Trung Quốc”. Châu Âu đang trở thành một thị trường tiềm năng và các nước phát triển như Bỉ, Anh, Đức và Pháp là những điểm đến hàng đầu của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của Stellantis, Carlos Tavares nhận định, ngành công nghiệp ô tô châu Âu có thể phải giảm mạnh sản lượng trước cuộc cạnh tranh đang ngày một gay gắt đến từ Trung Quốc. "Mức giá khác nhau về giá bán giữa xe châu Âu và Trung Quốc là rất có ý nghĩa", ông Carlos Tavares lưu ý, đồng thời cảnh báo nếu EU không thay đổi, thì ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ hứng chịu điều tất yếu giống với ngành sản xuất tấm hấp thụ năng lượng mặt trời châu Âu.
Ngày đăng: 19:04 | 19/01/2023
THÙY DƯƠNG / HNM.com.vn