Luật sư Nguyễn Minh Long cho rằng việc ngang nhiên chiếm làn khẩn cấp trên cao tốc có khả năng giết hại nhiều người khi xe cứu hỏa, xe cứu thương không thể cấp cứu kịp thời người bị nạn.
Bình luận về vụ việc rất nhiều ô tô ngang nhiên đi vào làn khẩn cấp,luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty TNHH Luật Dragon (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc tự ý đi vào làn đường khẩn cấp thể hiện sự vô ý thức, chỉ suy nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình mà không biết rằng hành vi này có thể gây hại cho bao người.
- Có ý kiến cho rằng, việc ngang nhiên đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc ngoài việc vi phạm luật pháp còn thể hiện sự vô văn hóa, vô đạo đức của lái xe?
Việc đi vào làn đường khẩn cấp mà không được phép thể hiện sự vô ý thức, chỉ suy nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình mà không biết rằng hành vi này sẽ gây hại cho nhiều người.
Luật sư Nguyễn Minh Long
Đúng như tên gọi làn đường khẩn cấp, làn đường này chỉ được sử dụng khi người tham gia giao thông gặp những trường hợp khẩn cấp như xe bị hư hỏng, thủng lốp, hay trong trường hợp người tham gia giao thông đang lái xe rơ moóc và phần rơ moóc đó gặp phải trục trặc…
Ngoài những trường hợp trên, người tham gia giao thông không được sử dụng làn đường này để di chuyển, trừ khi người tham gia giao thông được cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền yêu cầu.
Làn đường khẩn cấp còn được dành cho những xe được quyền ưu tiên sử dụng khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như xe cứu hỏa, cứu thương, xe công an đi bắt tội phạm, xe đi khắc phục sự cố thiên tai…
Như vậy, việc đi vào làn đường khẩn cấp mà không được phép thể hiện sự vô ý thức, chỉ suy nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình là chạy xe được nhanh hơn vài phút, thậm chỉ chỉ một vài giây hay để thoát ra được đoạn tắc đường.
Tuy nhiên, những người vi phạm này không biết rằng hành vi này của họ có thể gây hại cho nhiều người trong trường hợp xe của người vi phạm làm chặn xe của các cơ quan chức năng đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như cứu hỏa, cứu thương, xe đi khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh…
- Trong trường hợp có cháy nổ, tai nạn nhưng xe cứu thương, xe cứu hoả không thể tiếp cận hiện trường do đã bị bịt kín làn khẩn cấp thì hậu quả sẽ khôn lường, thưa ông?
Nếu lái xe đi vào làn đường khẩn cấp sẽ có rất nhiều khả năng làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của các xe có quyền ưu tiên như xe cứu hỏa, xe cứu thương…
Đặc biệt trong trường hợp đoạn đường đang bị tắc nghẽn mà tất cả các xe đều cố tình chen để đi vào đường ưu tiên thì không những không làm hết tắc đường mà còn dẫn đến tắc đường cục bộ, khó điều phối.
Xe cứu hỏa hay cứu thương đi vào những đoạn đường này thì khó có thể di chuyển được nhanh, mà việc không đến được nơi xảy ra cháy hay không đến được nơi người gặp nạn để cấp cứu kịp thời thì kết quả thế nào chắc chúng ta cũng biết được.
Hiện trường vụ xe khách tông xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 18/3.
- Thưa luật sư, trường hợp các xe ô tô đi hết các làn trên cao tốc, kể cả đi vào làn khẩn cấp thì sẽ bị xử lý ra sao?
Trường hợp các xe ô tô đi vào làn đường khẩn cấp thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 5 Nghị định 46/2016 quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt”.
Theo đó, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe hạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên cap tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên cao tốc.
Ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
- Nhiều đường cao tốc ở Việt Nam đều được lắp camera giám sát nhưng tại sao vẫn không có trường hợp nào bị phạt nguội, thưa ông?
Thực tế trên các đường cao tốc ở Việt Nam đều có lắp camera giám sát, tuy nhiên việc phạt nguội mới được áp dụng trong thời gian gần đây nên việc thực thi còn gặp nhiều bất cập.
Chẳng hạn như khó xác định người có hành vi vi phạm để ra quyết định xử phạt bởi có nhiều trường hợp chủ phương tiện cho người khác mượn, thuê phương tiện và điều khiển phương tiện vi phạm luật giao thông.
Việc xác minh hành vi vi phạm rồi trình tự, thủ tục để lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt mất rất nhiều thời gian, công sức.
Chính vì vậy, việc phát hiện ra hành vi vi phạm là một chuyện nhưng để phạt nguội hành vi vi phạm đó lại là một chuyện khác khó hơn và phức tạp hơn.
- Ở nước ngoài, việc bố trí các làn khẩn cấp như thế nào, thưa ông?
Ở Mỹ, làn đường khẩn cấp chạy dọc toàn bộ chiều dài của tuyến cao tốc, thường được bố trí về phía lề đường cao tốc, chiều rộng tiêu chuẩn của làn đường này là 3,3m, đủ rộng cho một chiếc xe tải lớn mà không phải lấn qua làn đường chính.
- Người dân ở đó tuân thủ quy định ra sao?
Người dân ở đây luôn tránh làn đường khẩn cấp trên cao tốc, dù có tắc đường cũng không bao giờ đi vào làn khẩn cấp bởi làn đường này không được dùng để di chuyển vì cản trở xe ưu tiên nếu có sự cố xảy ra.
Theo tôi, điều cốt lõi ở đây nằm ở ý thức người tham gia giao thông chứ không phải là chế tài xử phạt nặng hay nhẹ.
Nếu người tham gia giao thông có ý thức kém thì dù chế tài xử phạt có nặng đến mấy cũng không hạn chế được hành vi vi phạm này.
- Có ý kiến đề xuất phạt hành chính và tước bằng vĩnh viễn với những người vô tư đi vào làn khẩn cấp. Ông có đồng tình không?
Tôi đồng ý đề xuất phạt hành chính với chế tài thật nặng đối với hành vi đi vào làn đường khẩn cấp và truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của các xe được quyền ưu tiên trong lúc làm nhiệm vụ.
Còn việc tước bằng vĩnh viễn thì tôi thấy không khả thi bởi pháp luật ngoài tính chất răn đe còn mang tính giáo dục người vi phạm, chỉ cần tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, cộng với chế tài xử phạt thật nặng là đủ.
Trân trọng cảm ơn luật sư!
Xe được quyền ưu tiên đi vào làn khẩn cấp theo quy định tại Điều 2 Nghị định 109/2009/NĐ-CP gồm:
Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, xe cảnh sát giao thông dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh, xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Điều 3 Nghị định 109/2009/NĐ-CP quy định về xe khi đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như sau:
Xe quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, chỉ huy cứu hộ, cứu nạn, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện các hoạt động điều tra, dẫn giải tội phạm, tham gia phòng, chống khủng bố.
Xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, gồm: các xe đi thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc tiến hành các hoạt động điều tra, dẫn giải người phạm tội, chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng, xe làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, chỉ huy tác chiến chống khủng bố, thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc, chỉ huy đoàn hành quân.
Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu.
Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp là xe đi thi hành các biện pháp đặc biệt khi có tình trạng đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội hoặc khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Điều 22 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe:
Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu và xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
(Thực hiện)
Vụ xe khách đâm xe cứu hỏa: Tài xế xe khách nhờ luật sư trợ giúp pháp lý
Theo luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), tính đến nay đã có 4 luật sư tham gia trợ giúp pháp ... |
\'Đi ngược chiều từ nút ra trên cao tốc chẳng khác gì tự sát\'
Các chuyên gia cho rằng trong vụ tai nạn tại Pháp Vân - Cầu Giẽ, xe khách không thể làm gì khác. Việc xe cứu ... |
Ngày đăng: 10:35 | 26/03/2018
/ https://vtc.vn