Ngân hàng Nhà nước vừa có trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, qua đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong các kiến nghị của cử tri gửi Ngân hàng Nhà nước, vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được đặc biệt quan tâm và có nhiều kiến nghị nhất.
Trong đó, cử tri tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong việc giảm lãi suất điều hành của ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trả lời kiến nghị trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.
Qua đó, tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cử tri muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành để giảm lãi suất cho vay |
Đồng thời, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường 1; kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường 2.
Khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh;
Tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các TCTD đề nghị triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; phối hợp với Hiệp hội ngân hàng để vận động sự thống nhất của các TCTD hội viên tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay.
Chỉ đạo các TCTD tích cực, chủ động truyền thông trên các phương tiện đại chúng về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của TCTD.
Qua đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới; đồng thời, cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023 tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực.
Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022. “Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất cho vay của các TCTD, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới” – Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh” – Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ngày đăng: 08:25 | 21/08/2023
Nhật Linh / ANTĐ