Trong bối cảnh thành phố cần vốn cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc một số chương trình đột phá của TPHCM, tuy nhiên các ngân hàng lại thể hiện rõ quan điểm là ngại cho vay những dự án loại này, vì chứa đựng nhiều rủi ro liên quan đến sự không ổn định của chính sách, các dự án thường được chỉ định thầu và thiếu minh bạch.
Các ngân hàng ngại cho vay dự án PPP. Ảnh: Đ.Tuấn |
TPHCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe. Đây không chỉ là trở ngại mà còn là rào cản tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của thành phố. Hiện nay, nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của thành phố giai đoạn 2016-2020 cần một số vốn rất lớn, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Tuy nhiên, ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, đó là một thách thức rất lớn đối với thành phố trong thời gian tới.
Cụ thể theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố ước tính cần khoảng 1.829.385 tỉ đồng; trong đó, khu vực nhà nước là 376.221 tỉ đồng, chiếm 20,6% tổng nhu cầu vốn; vốn khu vực ngoài nhà nước là 1.120.598 tỉ đồng, chiếm 61,2%; vốn FDI là 332.567 tỉ đồng, chiếm 18,2%. Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa, TPHCM đã đề ra nhiều giải pháp, cơ chế chính sách nhằm tăng cường thu hút vốn thông qua các hình thức đầu tư như hình thức PPP, hình thức đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong buổi gặp gỡ với các ngân hàng thương mại mới đây, đa phần lãnh đạo các ngân hàng cho biết họ rất ngại cho vay đối với loại hình này. Về phía các tổ chức tín dụng trong nước có quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn nên khả năng cung cấp tín dụng trung và dài hạn cho các dự án còn hạn chế. Theo Thông tư 36 và Thông tư 05 của Ngân hàng Nhà nước, quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn của các tổ chức tín dụng năm 2017 là 50% và từ năm 2018 trở đi là 40% sẽ tạo ra rào cản cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, đứng dưới góc độ ngân hàng quốc doanh, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, khó khăn đối với việc cho vay đầu tư các dự án là các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hình thức đầu tư PPP hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định của Chính phủ nên hành lang pháp lý về hoạt động này vẫn còn phụ thuộc vào một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công… Những yếu tố này cũng tạo ra mối quan ngại lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Thắng, đối với vốn tín dụng thương mại nước ngoài, qua thực tiễn đàm phán triển khai các dự án PPP hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông đều cho thấy, các tổ chức tín dụng nước ngoài luôn yêu cầu có các cơ chế bảo lãnh đặc thù cho các rủi ro về lưu lượng, doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ … Các dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nên sẽ có những khó khăn nhất định về đàm phán và thu xếp vốn. Hơn nữa, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư yếu, không góp đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào các dự án theo đúng cam kết, dẫn đến phải dừng dự án. Nhiều phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý, vốn đối ứng tham gia dự án thấp, khi lãi suất tăng do biến động tiền tệ sẽ gây rủi ro lớn đến việc thực hiện dự án.
Lãnh đạo một số ngân hàng đồng quan điểm cho rằng, để thu hút đầu tư, TPHCM cần hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng tiếp thu các bài học từ thực tiễn triển khai trong thời gian qua, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng là hết sức cấp bách. Bên cạnh đó, TPHCM cần quyết liệt trong việc bố trí tài chính tối thiểu để làm đối ứng cho các dự án PPP. Các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá như hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… cần có vốn góp từ ngân sách để đảm bảo dự án khả thi về mặt tài chính. Đồng thời, hướng đến nguồn vốn tín dụng nước ngoài là giải pháp nhằm bù đắp nguồn lực thiếu hụt cho các dự án PPP trong giai đoạn tới.
Điều quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong đầu tư theo PPP hiện nay vẫn chưa được chú trọng. Việc xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới cần nghiên cứu quy định về công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư; về công khai thông tin dự án PPP trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện công trình.
(https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/ngan-hang-ngai-cho-vay-du-an-theo-hinh-thuc-doi-tac-cong-tu-ppp-552165.ldo)
Ngày đăng: 07:54 | 04/09/2017
/ Theo B.Chương/Báo Lao động