BOT cũng là đầu tư theo cơ chế thị trường, có thể lỗ hoặc lãi, tránh kiểu lãi thì nhà đầu tư hưởng còn lỗ thì bắt dân phải gánh.
Minh bạch thu-chi trước khi than khổ
Ngày 2/5/2019, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải trao đổi với Đất Viêt, bày tỏ sự nghi ngờ trước thông tin ngân hàng đưa ra con số 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến dẫn đến dư nợ với đối với các dự án này vào khoảng 43.000 tỷ đồng.
Việc nợ hay không nợ thì cũng phải minh bạch chứ không phải là lãi thì chẳng ai biết mà đến khi nợ thì lại gào lên, yêu cầu các cơ quan chức năng phải có cơ chế tháo gỡ rồi người dân lại phải gánh chịu khoản nợ đó.
Theo ông Thủy, ngay từ đầu khi có phương án đầu tư dự án BOT, các nhà đầu tư (ngân hàng và doanh nghiệp thực hiện dự án) phải có hồ sơ đầu tư những hạng mục gì, dự kiến bao nhiêu tiền, ngoài chi phí đó nhà đầu tư có phải chịu khoản nào khác không, thu trong bao nhiêu năm, bao giờ thu, thu bằng phương thức gì... rồi các trạm thu phí đang nợ theo báo cáo của ngân hàng thì thu được bao nhiêu?
Khi minh bạch các con số từ những khoản trên thì người dân mới thấy được một dự án BOT đã được làm tiết kiệm hay chưa hay có yếu tố lợi ích nhóm ở phía sau? Từ đó mới biết được con số cụ thể, có thực là các dự án BOT đang nợ ngân hàng hay không.
Trong trường hợp, khoản nợ đó có thật thì phải xác định nguyên nhân tại sao lại nợ? Với các chủ đầu tư không có tiềm lực kinh tế, phải vay ngân hàng quá nhiều mà Bộ GTVT vẫn cho phép họ đầu tư thì phía thẩm duyệt nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm chứ không để đến bây giờ bắt người dân phải gánh chịu.
Đây chính là một ẩn số cho đến bây giờ vẫn chưa được làm rõ ràng. Ông Thủy lấy ví dụ, một con đường dài hơn chục km mà chỉ cải tạo, làm lại bề mặt nhưng nhà đầu tư lại đưa ra con số đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng (cao hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới) liệu có hợp lý hay không? Không hợp lý mà Bộ GTVT vẫn chấp thuận cho nhà đầu tư làm rồi thu phí cao ngất ngưởng trong thời gian dài thì đó chính là một dấu hỏi lớn.
"Phải trả lời được câu hỏi trên thì mới tìm ra được nguyên nhân chắc xác trả lời cho câu hỏi nhiều dự án BOT không hoàn vốn được như dự kiến" - TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Hậu quả của nhà đầu tư thiếu năng lực
Giải thích về nguyên nhân nhiều dự án BOT vỡ phương án tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ và giảm giá cho khu vực lân cận trạm thu phí; trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác theo quy định trong hợp đồng hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, chính nhà đầu tư là người có quyền lựa chọn dự án, con đường đầu tư rồi mới làm hồ sơ xin cơ quan chức năng chấp thuận đầu tư. Nên khi xảy ra vỡ phương án tài chính thì chính nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm chứ bây giờ lại đổ lỗi cho việc người dân đi ít, đòi tăng phí là không thể chấp nhận được!
Nói thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Hùng - công tác tại Khoa Đầu tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, các dự án BOT ở Việt Nam đang nhận được nhiều ưu đãi khi nhà đầu tư đưa ra kinh phí đầu tư bao nhiêu là nhà nước biết bấy nhiêu, phí thu và phương án thu cụ thể như thế nào cũng chỉ có nhà đầu tư và Bộ GTVT bàn với nhau mà đến bây giờ còn thua lỗ và đổ lỗi cho người dân thì cũng khó hiểu.
"Ở đây, việc đầu tư dự án BOT cũng là vấn đề kinh tế thị trường, khi nhà đầu tư bỏ tiền ra làm dự án đầu tư thì phải chấp nhận có lãi, có lỗ chứ không ai cam kết 100% có lãi. Còn tỷ lệ lãi đến đâu là do năng lực của nhà đầu tư, thu hút được người tham gia giao thông sử dụng dịch vụ của mình" - ông Hùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm.
Một vấn đề cũng được vị chuyên gia kinh tế này đặt ra là hiện nay nhiều chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính nhưng vẫn được làm dự án BOT, phần lớn tiền làm đi vay ngân hàng rồi gánh chịu lãi suất cao, tất cả những điều đó được tính vào chi phí đầu tư. Kéo theo phí cao, thời gian thu phí dài làm tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đầu tư. Tất cả người dân lại phải gánh chịu!
Về phía ngân hàng, ông Hùng cho rằng, với khoản tiền 43.000 tỷ đồng dư nợ với các dự án BOT có doanh thu thu phí không đạt dự kiến cũng là vấn đề cần phải được xác định, coi đó là khoản có nguy cơ nợ xấu, cần phải trích lập quỹ dự phòng để có phương án xử lý trong bối cảnh như hiện nay.
Thu phí BOT Hòa Lạc-Hòa Bình từ 0 giờ 3/5, giá vé thấp nhất 35.000 VND
Mức thu cụ thể sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải; trong đó mức phí ... |
Đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình thu phí từ ngày 3/5
Tuyến đường có mức phí thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất 180.000 đồng mỗi lượt xe. |
Ngày đăng: 10:13 | 03/05/2019
/ http://baodatviet.vn