Quyết định giảm một số loại lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là sẽ góp phần khơi thông thị trường vốn và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng như những cân đối lớn cho các năm tiếp theo.
Kể từ ngày 15/3, NHNN chính thức chỉnh giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
NHNN khẳng định việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, NHNN thông tin và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá về động thái giảm lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước, các chuyên gia cũng cho rằng việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Đây có thể là phản ứng đón đầu của NHNN sau khi 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do lãi suất tăng khiến họ phải bán trái phiếu với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Sự kiện này được nhìn nhận sẽ khiến Fed “chùn tay” trong phiên họp ngày 23/3 tới và tốc độ tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ chậm lại.
Về mức giảm, theo các chuyên gia, quy định này cho phép các ngân hàng vẫn có thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản, nhất là trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng. Tác động tới nền kinh tế, đối với người dân và doanh nghiệp, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì 9-10% thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư khác, họ sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi vào tiền gửi và tiết kiệm, doanh nghiệp khó huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Trong một diễn biến có liên quan, theo phân tích tại báo cáo của VNDirect, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023 dựa vào 3 yếu tố. Thứ nhất, nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Thứ ba, NHNN sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ…
Thực tế, thời gian gần đây, cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5-2,0% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường…
Ngày đăng: 15:45 | 16/03/2023
K.L / Công an nhân dân