Thay vì nhấp nhổm tăng phí dịch vụ thì gần đây, các ngân hàng lại đua nhau giảm phí. Đây có thể sẽ trở thành xu hướng, khi việc cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày gay gắt.
Đua nhau giảm phí
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo giảm phí dịch vụ rút tiền qua ATM. Theo đó, phí rút tiền qua ATM ngoài hệ thống của ngân hàng này từ 15/11/2019 sẽ giảm 500 đồng xuống còn 2.500 đồng/giao dịch, so với mức 3.000 đồng/giao dịch trước đây. Mức phí này chưa bao gồm thuế VAT. Như vậy nếu tính cả thuế, mức phí rút tiền tại ATM ngoài hệ thống của Vietcombank là 2.750 đồng/giao dịch, thay vì 3.300 đồng như trước, tức giảm tổng cộng là 550 đồng. Thời gian áp dụng mức phí mới từ 15/11 cho đến hết năm 2020.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng cho 10 giao dịch đầu tiên trên ứng dụng VPBank Online thay vì mức phí 7.000 - 8.000 đồng/giao dịch như trước đó. Từ giao dịch thứ 11 trên VPBank Online, khách hàng tiếp tục được miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng với điều kiện có số dư bình quân trong tài khoản thanh toán từ 10 triệu đồng trở lên.
Việc giảm phí dịch vụ giúp các ngân hàng hút thêm lượng khách hàng
Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm phí đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng miễn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng di động SeANet, SeAMobile; Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) miễn phí chuyển tiền cùng hệ thống với bất kỳ giá trị giao dịch lớn hay nhỏ qua Online Banking và Mobile Banking.
Hay Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) miễn tất cả phí trong 3 tháng đầu gồm phí tài khoản thanh toán, phí duy trì thẻ, phí rút tiền ATM, phí chuyển tiền online, phí chuyển tiền tại quầy cho khách hàng lần đầu tham gia gói Sapphire và Gold; LienVietPostBank cùng Ví Việt miễn phí nạp/rút/chuyển tiền cùng hệ thống, miễn phí dịch vụ thanh toán hoá đơn điện nước, truyền hình, Internet, học phí...
Có trở thành xu hướng?
Có thể thấy, làn sóng giảm phí, miễn phí dịch vụ cho khách hàng bắt đầu nở rộ sau khi Techcombank tiên phong áp dụng chính sách “Zero Fee” cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9/2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng doanh nghiệp từ tháng 10/2018.
Trước đó, nhiều ngân hàng, nhất là big4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước liên tục nhấp nhổm tăng phí dịch vụ. Nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra là do liên tục phải bù lỗ chi phí đối với các giao dịch thẻ. Do vậy, động thái giảm phí, nhất là ở các ngân hàng lớn được cho là khá bất ngờ.
Lý giải những động thái này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, có thể do từ đầu năm đến nay, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã giảm phí dịch vụ cho các thành viên 3 lần, giúp cho cuộc đua tăng phí dịch vụ của các ngân hàng hạ nhiệt.
Đặc biệt, sự xuất hiện của nhiều công ty công nghệ (Fintech) với việc ra đời nhiều ví điện tử đã chia miếng bánh của các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải giảm giá dịch vụ để tăng tính cạnh tranh.
Cùng với đó, việc giảm giá dịch vụ sẽ giúp các ngân hàng thu hút được lượng khách hàng, đồng nghĩa với việc làm tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp, chỉ từ 1 - 3%/năm, giúp ngân hàng giảm giá vốn.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc các ngân hàng giảm giá dịch vụ sẽ khó "sâu" hơn nữa, bởi việc đầu tư vào hệ thống ngân hàng số đang ngốn một chi phí đầu tư rất lớn của các ngân hàng.
Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận |
Thẻ chip nội địa phải được ngân hàng giám sát và báo cáo định kỳ |
Chiến dịch mạo danh website ngân hàng Việt |
Ngày đăng: 11:30 | 17/11/2019
/ anninhthudo.vn