Giới chuyên gia lưu ý rằng, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) hiện tại “có chuyên môn hạn chế về các vấn đề khí hậu và bị kéo theo các hướng khác nhau bởi các khu vực khác nhau”.

Họ đề xuất “một tổ chức mới và tập trung - Ngân hàng Carbon Thế giới - để cung cấp phương tiện cho các nền kinh tế tiên tiến để điều phối viện trợ và chuyển giao công nghệ”, và tổ chức này “không đồng thời cố gắng giải quyết tất cả vấn đề phát triển khác”.

Phần lớn các cuộc thảo luận về chính sách biến đổi khí hậu tại Australia tập trung vào những thay đổi cần thiết của chính quyền Công đảng mới nhằm gắn kết Australia với các mục tiêu quốc tế đã được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow hồi tháng 11/2021.

Việc tập trung vào các vấn đề trong nước là điều dễ hiểu nhưng Chính phủ Australia cũng cần góp phần giải quyết những thách thức năng lượng tại khu vực Nam Thái Bình Dương và ở Đông Nam Á. Australia có thể và nên đóng góp hữu ích vào việc ứng phó với thách thức môi trường toàn cầu bằng cách áp dụng các chính sách phù hợp ở trong nước, nhưng Canberra cũng có thể đóng một vai trò quốc tế lớn hơn bằng cách làm việc với các nước đối tác trong khu vực để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng cần thiết trong vài thập niên tới.

“Nghèo năng lượng” vẫn là một vấn đề lớn ở hầu hết các nước trong khu vực. Tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines (với tổng dân số ước tính khoảng 1,8 tỷ người), mức tiêu thụ năng lượng trung bình hàng năm thấp hơn rất nhiều so với mức tiêu thụ bình quân đầu người ở các nền kinh tế phát triển như Australia. Hơn nữa, do sự bất bình đẳng trong tiếp cận điện năng, hàng triệu người ở châu Á và Thái Bình Dương hầu như vẫn sống trong tình trạng không có điện.

Ví dụ, ở Papua New Guinea, ước tính chỉ có khoảng 13% dân số được tiếp cận nguồn điện đáng tin cậy. Có 2 mục tiêu cần theo đuổi để ứng phó với thách thức chuyển đổi năng lượng là thúc đẩy sử dụng các công nghệ năng lượng sạch và hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực điện ở các nước trong khu vực để mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng nhanh nhằm cung cấp nguồn điện tối thiểu tương đối cho bệnh viện, trường học, nhà ở và các công trình công cộng khác. Quy mô tài chính cần thiết để hỗ trợ các dự án kiểu này lớn hơn nhiều so với chương trình viện trợ mở rộng của Australia.

777.jpg -0

Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon tại COP26. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây ước tính cần gần 1 tỷ USD/năm trong vòng 15 năm tới để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh khí hậu chỉ riêng trong ngành điện ở châu Á. Để có được nguồn lực tài chính lớn như vậy, cần huy động vốn từ các thị trường vốn quốc tế, chứ không phải các chương trình viện trợ truyền thống.

Có rất nhiều cách để có thể huy động nguồn tiền đáng kể trên thị trường vốn quốc tế - và cả thị trường vốn khu vực - bao gồm thông qua phát hành trái phiếu (đặc biệt là trái phiếu “xanh”) và có thể thông qua các chương trình nâng cao được thiết kế để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng vì quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á đang phát triển hứa hẹn là một quá trình phức tạp đòi hỏi các chương trình hoạt động trong một hoặc nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội phải được phối hợp nhịp nhàng ở mỗi quốc gia, nên việc chỉ dựa vào cơ chế thị trường khó có thể thành công.

Thay vào đó, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) như Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB đã thành công trong việc huy động tài chính để hỗ trợ thực hiện các chương trình quy mô lớn và phức tạp liên quan những thay đổi về xã hội và kỹ thuật ở châu Á. Có lẽ đã đến lúc xem xét việc mở rộng hệ thống MDB tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

Trên thực tế, ý tưởng thành lập một tổ chức mới với tên gọi “Ngân hàng Carbon Thế giới” đã được ông Kenneth Rogoff, Giáo sư kinh tế của Đại học Harvard, từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giai đoạn 2001-2003, nêu ra vài năm trước.

Giáo sư Kenneth Rogoff lưu ý rằng các MDB hiện tại “có chuyên môn hạn chế về các vấn đề khí hậu và bị kéo theo các hướng khác nhau bởi các khu vực khác nhau”. Ông đề xuất “một tổ chức mới và tập trung - Ngân hàng Carbon Thế giới - để cung cấp phương tiện cho các nền kinh tế tiên tiến để điều phối viện trợ và chuyển giao công nghệ”, và tổ chức này “không đồng thời cố gắng giải quyết tất cả vấn đề phát triển khác”.

Đề xuất của Giáo sư Kenneth Rogoff có thể được Thủ tướng Anthony Albanese, Ngoại trưởng Penny Wong và Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers ủng hộ và xem xét thành lập một ngân hàng carbon trong khu vực. Cuộc gặp sắp tới của ông Anthony Albanese với Tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể là thời điểm để thảo luận ý tưởng này.

Các bước cần thiết để thành lập một ngân hàng carbon khu vực (RCB) khá phổ biến và tương đối dễ hiểu. Như trường hợp ADB được thành lập vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước với sự hỗ trợ của Nhật Bản, dự thảo điều lệ cần được chuẩn bị và thảo luận trong quá trình đàm phán với các nước thành viên tiềm năng, chẳng hạn như khu vực các đảo Thái Bình Dương và ASEAN.

Tất cả các quốc gia thành viên (khoảng 20) sẽ được mời đăng ký số vốn khiêm tốn trên bảng cân đối kế toán của RCB và cũng sẽ đủ điều kiện để vay. Australia và New Zealand có thể tự nguyện từ bỏ quyền vay của họ và có lẽ trụ sở chính của RCB nên được đặt tại một quốc gia thành viên đi vay. Tất nhiên, cần có các cuộc đàm phán chi tiết giữa các quốc gia thành viên tương lai về các chi tiết của điều lệ ngân hàng.

Tuy nhiên, việc Australia hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn trong khu vực như Indonesia và Papua New Guinea sẽ giúp đạt được thỏa thuận rộng rãi hơn. Một RCB mới có thể hợp tác chặt chẽ với các MDB hiện nay như WB, ADB, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và các tổ chức chuyên môn khác. Nhu cầu về tài chính phát triển của khu vực trong vài thập niên tới sẽ tạo điều kiện cho các RCB mới phối hợp hiệu quả với các MDB hiện có, thay vì lấn át hoạt động của những ngân hàng này.

Việc thành lập một RCB mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Australia và các nước đối tác. Thứ nhất, góp phần tăng cường dòng vốn quốc tế vào các dự án phát triển trong khu vực. ADB hiện có bảng cân đối kế toán khoảng 270 tỷ AUD và phê duyệt tổng số cam kết trên 20 tỷ USD/năm. Theo thời gian, RCB mới có thể nhắm mục tiêu đánh giá mức độ hoạt động xung quanh mức này.

Do đó, việc thành lập RCB sẽ là một bước hữu ích để thực hiện các thỏa thuận quốc tế, được thảo luận tại COP26, theo đó cộng đồng quốc tế phải đảm bảo dòng chảy 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi carbon thấp ở các nước đang phát triển. Thứ hai, chi phí ngân sách thấp cho các quốc gia thành viên. Vốn chủ sở hữu cho các MDB hiện có được cung cấp trên cơ sở “dự phòng”, có nghĩa là các tổ chức có xếp hạng 'AAA' trên thị trường quốc tế và các khoản vay được huy động cực kỳ hiệu quả về mặt chi phí.

Thứ ba, đây là một cách để Australia cùng với các nước đối tác tham gia nhiều hơn vào quá trình chuyển đổi năng lượng sắp tới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. RCB có thể khuyến khích các công ty tư nhân và nhà nước ở Australia, cũng như các tổ chức giáo dục và dịch vụ khác thành lập các liên doanh với các đối tác trong khu vực. Nguồn vốn tài trợ của RCB có thể giúp duy trì các liên kết này.

Thứ tư, cung cấp nguồn vốn chất lượng cao để hỗ trợ các quốc gia thành viên ở châu Á-Thái Bình Dương với các dự án và chương trình phát triển ưu tiên của riêng họ. Cuối cùng, lợi ích của bản chất đa phương của RCB là tăng cường uy tín, vị thế tài chính và hoạt động của tổ chức. Hỗ trợ kỹ thuật do RCB cung cấp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ phát thải thấp trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nước và vệ sinh, công nghiệp và thương mại, xây dựng.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ngan-hang-carbon-the-gioi-la-gi--i657802/

Ngày đăng: 08:58 | 22/06/2022

Minh Hải / Công an nhân dân