Theo lãnh đạo ngân hàng, dù chưa có thống kê chi tiết nhưng ứng dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online cơ bản giúp phòng tránh nạn lừa đảo trực tuyến.

Trả lời Báo điện tử VTC News, đại diện BIDV cho biết, đến thời điểm hiện nay, ngân hàng chưa có thống kê chi tiết về số vụ lừa đảo trực tuyến sau khi triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, vấn đề an toàn trong bảo mật cho ngân hàng, cho khách hàng đã tăng lên một bước và cơ bản phòng tránh được những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, qua những cuộc gọi điện thoại.

Vị này phân tích, trước đây kẻ xấu thường hay lợi dụng những tài khoản trôi nổi bằng cách tìm vào các trường học để mua lại tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên. Do chưa nhận thức hết hậu quả của việc chuyển tài khoản của mình cho người khác sử dụng, một bộ phận học sinh, sinh viên đã bán cho những đối tượng đi thu mua để hưởng lời mà không biết họ sử dụng với mục đích lừa đảo.

Tuy nhiên bây giờ, khi ứng dụng sinh trắc học được thực hiện thì những tài khoản đã mua đó buộc phải xác thực, nếu không phải chính chủ sẽ không chuyển được tiền đi. Điều này giúp hạn chế rất nhiều số lượng tài khoản ảo, từ đó hạn chế số vụ lừa đảo chuyển tiền có thể xảy ra. Và đặc biệt là giúp hạn chế được số vụ lừa đảo với số tiền lớn, vì muốn chuyển được 10 triệu đồng/lần, 20 triệu đồng/ngày hay lớn hơn thì bắt buộc phải sử dụng sinh trắc học để xác thực khuôn mặt. 

Điều này góp phần hỗ trợ ngân hàng, khi nhận được thông tin của người bị lừa sẽ sớm ngăn chặn được hành vi chuyển tiền lừa đảo từ tài khoản này sang tài khoản khác”, vị đại diện BIDV nói.

Kể từ khi xác thực sinh trắc học được áp dụng, cơ bản đã phòng tránh được những vụ lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Kể từ khi xác thực sinh trắc học được áp dụng, cơ bản đã phòng tránh được những vụ lừa đảo qua mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Vị này cũng vui vẻ chia sẻ thêm: "Riêng bản thân tôi đã nhận giảm tới hơn 90% số lượng cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo".

Mặc dù vậy, ông nhấn mạnh, thời gian tới, rất có thể các hình thức lừa đảo sẽ có những biến tướng khác mà bản thân khách hàng cũng như các ngân hàng không thể lường trước được, nhất là khi kẻ xấu thường nhắm đến người cao tuổi, có hiểu biết hạn chế về công nghệ. Tuy nhiên, với mỗi hình thức lừa đảo mới xảy ra thì Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chắc chắn sẽ có những giải pháp để cảnh báo người dân.

Cũng phân tích về tác dụng của việc xác thực sinh trắc học trong giao dịch ngân hàng điện tử, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - cũng khẳng định, trước kia các yếu tố xác thực chỉ thường dừng lại ở phương thức xác thực truyền thống như OTP, SmartOTP hay chữ kí/pin thẻ… 

Các phương thức xác thực này vẫn bị kẻ gian lợi dụng kẽ hở để lừa khách hàng. Kể cả việc xác thực bằng FaceID thì cũng chỉ phụ thuộc vào các thuật toán so khớp mẫu khuôn mặt trên thiết bị điện thoại cá nhân mà không đảm bảo chính khách hàng đăng ký tài khoản là người thực hiện giao dịch.

"Nhưng hiện nay, việc bắt buộc chuyển tiền bằng sinh trắc học đảm bảo thắt chặt thêm phần xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên căn cước công dân, đảm bảo người giao dịch là chính chủ tài khoản ngân hàng. Từ đó cơ bản sẽ phòng tránh được những vụ lừa đảo qua mạng xã hội", ông Nam khẳng định.

Cũng theo ông Nam, việc sử dụng sinh trắc học đang tạo nên những tác động tích cực với cả khách hàng và ngân hàng.

Cụ thể, đối với khách hàng, sẽ tránh được nạn mạo danh danh tính, giả mạo chữ ký. Đối với ngân hàng, giảm đi các tài khoản không chính chủ, tài khoản rác mở ra với ý đồ xấu làm các tài khoản trung gian trung chuyển tiền xấu. Đối với các cơ quan quản lý, điều tra sẽ dễ dàng truy vết được đối tượng lừa đảo hay tài khoản xấu.

"TPBank đánh giá đây là bước đi đúng đắn và chắc chắn sẽ tuân thủ 100% nhưng vẫn bảo đảm trải nghiệm dễ dàng thuận tiện nhất cho khách hàng", ông Nam nói.

Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cũng cho biết, thông qua sinh trắc học, tội phạm gần như là không thể thực hiện việc giả mạo khách hàng. Mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực, nếu không chính là khách hàng thực hiện thì không chuyển tiền được.

"Nếu anh không phải là người mở tài khoản thì sẽ không thể chuyển được tiền đi, cũng sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính thống. Nhờ vậy, chúng ta cũng ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác dùng để luân chuyển dòng tiền lừa đảo", vị này khẳng định.

Cũng theo ông, xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền giúp ngăn chặn dòng tiền khi đã bị chuyển đi khỏi tài khoản. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các đối tượng lừa đảo giả danh công an, giả danh cán bộ thuế, tòa án hay nhiều lực lượng chức năng khác và gọi điện, thao túng tâm lý khiến nhiều người làm theo và chuyển tiền. 

Điều này đồng nghĩa với việc xác thực xong thì vẫn có thể bị lừa đảo và chuyển tiền đi. Do đó, hiện các ngân hàng và Bộ Công an đã có sự liên thông để cảnh báo sớm đến người dân ngay từ khi nhập tài khoản chuyển tiền. Từ đó dừng lại ngay việc chuyển khoản để tránh những rủi ro phát sinh.

Các ngân hàng đánh giá cao tác dụng của việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online. (Ảnh minh họa)

Các ngân hàng đánh giá cao tác dụng của việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền online. (Ảnh minh họa)

Trước đó, Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an giải thích: Các ngân hàng đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ để khi người dùng quét vân tay hoặc quét khuôn mặt thì phải là khuôn mặt sống, vân tay sống của người giao dịch. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với một vài rủi ro chẳng hạn như sử dụng deepfake để vượt qua một vài chốt chặn xác thực sinh trắc học của các ngân hàng.

Ông Tùng cảnh báo hiện có hàng trăm hàng nghìn phương thức lừa đảo. Mỗi khi có một chính sách mới, có sự kiện mới, các đối tượng lại tiếp tục nghiên cứu kịch bản để dẫn dụ người bị hại vào cạm bẫy, thậm chí tinh vi hơn như lợi dụng chính sách chuyển đổi số, chính sách cập nhật thông tin để dẫn dụ người dùng cài ứng dụng có chứa mã độc hoặc truy cập vào đường link chứa mã đống qua đó để chiếm dụng điện thoại, chiếm đoạt tài sản.

Có những nhóm lừa đảo hoạt động hàng trăm đối tượng, hoạt động như một nghề để kiếm sống, cho nên chỉ nghiên cứu sử dụng các phương thức lừa đảo qua không gian mạng để tìm kiếm người bị hại. Khâu quan trọng nhất của các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm không gian mạng đó là khâu luân chuyển dòng tiền. Do đó, nếu chúng ta không định danh thông tin người mở tài khoản, không định danh được người thực hiện giao dịch thì vô hình chung hoạt động thanh toán sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro để các đối tượng lợi dụng.

"Quyết định 2345/NHNN là các biện pháp kỹ thuật để xây dựng các giải pháp để xác thực sinh trắc học khách hàng khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng, hoặc tổng giao dịch trong ngày vượt mức 20 triệu đồng. Đây là bước quan trọng, giải quyết được các vấn đề căn cơ như định danh để làm sạch thông tin khách hàng, đảm bảo người dùng có căn cước công dân thực, mở tài khoản thực", ông Tùng khẳng định.

Theo thống kê từ cơ quan Công an, 5 tháng đầu năm 2024, thiệt hại do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 4.239 tỷ đồng, bằng 94% so với cả năm 2023. Vì vậy, việc triển khai xác thực sinh trắc học ngân hàng được xem là giải pháp hiệu quả, giải quyết được các rủi ro về bảo mật và an toàn tài khoản. Khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, do đó, rất khó truy vết dòng tiền. Còn khi xác thực sinh trắc họ, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, mọi giao dịch chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên đều phải thông qua bước xác thực bằng sinh trắc học đối với người chuyển tiền.

Khách hàng khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN hoặc khi thực hiện giao dịch đầu tiên khi cài đặt mới hoặc cài đặt lại ứng dụng di động trên thiết bị mới sẽ cần bổ sung bước xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Cụ thể, các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt. 

Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

https://vtcnews.vn/ngan-hang-ap-dung-sinh-trac-hoc-nan-lua-dao-chuyen-tien-co-giam-ar883281.html

 

Ngày đăng: 08:19 | 16/07/2024

CHÂU ANH - PHẠM DUY / https://vtc.vn