Vứt rác, xả nước thải sinh hoạt, chất thải sản xuất vào kênh mương... là hành vi phổ biến tại nhiều địa phương của thành phố Hà Nội. Để bảo vệ sức khỏe người dân và công trình thủy lợi, các cấp, các ngành, địa phương cần có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hơn...

xathai
Kênh Khê Tang đoạn qua xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai) bị ô nhiễm nghiêm trọng vì rác.

Kênh Khê Tang có nhiệm vụ cung cấp nước tưới và tiêu cho hơn 7.000ha sản xuất nông nghiệp và dân sinh các xã, phường: Yên Nghĩa, Đồng Mai (quận Hà Đông), Bích Hòa, Cự Khê (huyện Thanh Oai)... Tuy nhiên, quan sát tuyến kênh này, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều đoạn kênh ứ đọng rác thải, nước đen bốc mùi hôi thối. Tương tự, nhiều đoạn mặt kênh Tiên Phương thuộc địa bàn xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) bị lấp kín bởi túi ni lông, thùng xốp... đã qua sử dụng, màu nước đen quánh... Ông Nguyễn Văn Bột, người dân xã Tiên Phương bức xúc: “Sinh sống bên kênh Tiên Phương này, gia đình tôi quanh năm phải chịu cảnh ô nhiễm, hôi thối. Chúng tôi mong các cơ quan liên quan có biện pháp ngăn chặn hành vi làm dòng chảy ô nhiễm để có cảnh quan, môi trường sạch, đẹp”.

Không chỉ rác thải sinh hoạt, nhiều tuyến kênh quan trọng, như: Tây Ninh ở xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), Đồng Mô ở xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai), kênh tưới Trạm bơm Phú Đông ở xã Phú Đông (huyện Ba Vì), kênh chính Trạm bơm Minh Khai ở xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức)... còn phải tiếp nhận khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý từ các khu dân cư, trang trại chăn nuôi, làng nghề chế biến nông sản...

Theo các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, hành vi xả rác và chất thải không qua xử lý vào công trình thủy lợi là vi phạm pháp luật thủy lợi và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do không có chức năng xử phạt nên các doanh nghiệp thủy lợi chỉ lập biên bản, đề nghị các địa phương xử lý theo thẩm quyền. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Kinh tế các huyện: Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ba Vì... khẳng định luôn phối hợp với các tổ chức thủy lợi trong việc vớt rác và vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong xử lý vi phạm xả thải là nhiều tuyến kênh đi qua khu dân cư, chợ dân sinh... dẫn đến nhiều người tùy tiện mang rác ra đổ trộm. Hơn nữa, nhiều khu dân cư, khu sản xuất, chăn nuôi tập trung chưa được đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải nên vẫn phải đấu nối vào hệ thống thủy lợi...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn thành phố tồn tại 726 điểm xả nước thải sinh hoạt, chất thải sản xuất vào công trình thủy lợi. Trong đó, huyện Hoài Đức 74 điểm, huyện Phú Xuyên 71 điểm, quận Hà Đông 59 điểm, huyện Quốc Oai 45 điểm...

Trước thực trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi thành phố tăng cường kiểm tra về xả thải, kịp thời báo cáo cơ quan liên quan để xử lý các đối tượng vi phạm... Các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, thống kê cơ sở có xả thải gây ô nhiễm nguồn nước; phối hợp với sở chuyên ngành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có xả thải. Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong việc bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, nguồn nước phục vụ tưới, tiêu. Về lâu dài, các địa phương cần huy động nguồn lực xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tập trung trước khi xả vào hệ thống thủy lợi...

Thực tiễn trên cho thấy, để bảo vệ nguồn nước trong hệ thống thủy lợi, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thủy lợi, bảo vệ môi trường...

Ngày đăng: 08:59 | 27/04/2022

/