Một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị cơ quan chức năng triệt phá.
Cụ thể, từ tháng 8-2021, các đối tượng đã thành lập hai doanh nghiệp gồm: Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group tại quận Hà Đông để sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sữa bột giả. Gần 600 nhãn hiệu sữa bột các loại đã được đường dây này cung cấp ra thị trường.
Đáng nói là có những loại sữa được công bố trên sản phẩm, “quảng cáo” có thành phần chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo,… hữu ích cho người bị suy thận, tiểu đường, phụ nữ có thai, trẻ sinh non… nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không có. Tệ hơn nữa là sữa bột do đường dây nói trên sản xuất, cung cấp ra thị trường có một số chất không đạt 70% chỉ tiêu so với mức chính họ công bố.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, các đối tượng còn liên doanh, liên kết thành lập 9 doanh nghiệp khác để đứng tên hồ sơ công bố các dòng sản phẩm và trực tiếp kinh doanh, phân phối sữa trên thị trường. 8 đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngay khi đường dây này bị triệt phá, lập tức một số nghệ sĩ, người dẫn chương trình “có tiếng” đã bị cộng đồng mạng xã hội “réo tên” vì từng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm giả nói trên bằng các tài khoản cá nhân. Vụ án đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và chắc chắn những người có liên quan, thu lợi bất chính sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật.
Việc các nghệ sĩ, “người nổi tiếng” dính dáng đến quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm, đặc biệt là liên quan tới thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân không phải hiện tượng mới xuất hiện mà thực sự đã trở thành một vấn nạn xã hội.
Mạng xã hội phát triển mạnh, bên cạnh mặt tích cực cũng có cả mặt tiêu cực. Đáng tiếc là nhiều người đã không định vị được giá trị của mình, dẫn tới ảo tưởng về sức mạnh bản thân, lạm dụng nó vào mục đích kiếm tiền, bất chấp các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, quy định của pháp luật.
Vụ việc Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) vừa bị khởi tố hình sự với cáo buộc “lừa dối khách hàng” là một ví dụ điển hình.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn những đóng góp tích cực của các nghệ sĩ, “người nổi tiếng” nhất là trong việc lan tỏa những giá trị có ý nghĩa truyền cảm hứng tới cộng đồng. Vấn đề đặt ra là mỗi nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cần phải luôn giữ được trạng thái cân bằng, tỉnh táo để không bị mạng xã hội “thổi phồng” thành những “người khổng lồ” có đôi chân thủy tinh mong manh, dễ vỡ.
Người xưa đã dạy “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Đừng để lợi ích trước mắt làm mờ mắt mà hãy tập trung vào công việc chuyên môn, kiếm sống bằng năng lực thực sự của bản thân chứ không phải bằng những ánh hào quang ảo. “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, thay vì bàn luận, quảng bá về những sản phẩm, lĩnh vực mà mình không có kiến thức, chưa có trải nghiệm thì chỉ nói về chuyên môn sâu để khỏi phải tiếc nuối, hối hận với trái tim rỉ máu do đôi chân thủy tinh vỡ vụn gây nên.
Về phía các cơ quan chức năng, đã đến lúc cần đưa ra những “liều vắc xin” đủ mạnh để ngăn ngừa, chặn đứng “virus thổi phồng” đang ngày càng lây lan mạnh trên mạng xã hội hiện nay.
Ngày đăng: 20:00 | 19/04/2025
Mai Lâm / HNM.com.vn