Dù các quan chức Mỹ không coi mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc là một liên minh nhưng vẫn khiến Washington cảm thấy bị đe dọa.

Theo CNN, cả hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đều mô tả cuộc hội đàm tại Moskva vừa qua là thay đổi lịch sử trong 100 năm trở lại đây. Tuy nhiên, sự kiện này cũng gợi lên một thỏa thuận chống phương Tây - điều Mỹ đã lo sợ từ lâu.

Bài kiểm tra cho nước Mỹ

CNN phân tích chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga tuần này diễn ra vào thời điểm được xem là đặc biệt. Moskva đang gặp nhiều khó khăn trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi Bắc Kinh muốn vươn tầm ảnh hưởng ra ngoài châu Á.

Toàn bộ chuyến thăm đã được phản ánh qua lăng kính đối lập của cả hai quốc gia đối với Mỹ. Mỗi bước tiến trong mối quan hệ Nga – Trung Quốc đều được Washington dõi theo.

Trong cuộc hội đàm tại Moskva, Trung Quốc một lần nữa thể hiện vai trò người hòa giải cho cuộc xung đột ở Ukraine và cam kết mở rộng hơn nữa mối quan hệ toàn diện với Nga. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ việc Nga và Trung Quốc đang tạo nên một mặt trận thống nhất chống Mỹ.

Nga - Trung Quốc nồng ấm, Mỹ thấy bị đe dọa? - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cùng ký và công bố tuyên bố chung ngày 21/3. (Ảnh: Điện Kremlin)

Dù vậy Mỹ vẫn đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng về chính sách đối ngoại. Hiện tại Washington đang đồng thời chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc lẫn cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở Ukraine. Nếu Nga và Trung Quốc liên minh, nhiều khả năng những mục tiêu chiến lược của Mỹ ở Ukraine và cả những nơi khác sẽ thất bại.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 21/3, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đều đưa ra những tuyên bố về ưu tiên chính sách đối ngoại cốt lõi – trong đó trọng tâm vẫn là làm mất uy tín và thậm chí phá bỏ một trật tự thế giới đơn cực do phương Tây lãnh đạo suốt nhiều thập kỷ qua.

Theo các cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, những nỗ lực của Moskva trrong việc định hình lại hệ thống quốc tế trong nhiều năm qua không phải là vấn đề Washington bận tâm. Họ cho rằng Trung Quốc mới là đối thủ duy nhất của Mỹ có đủ “sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ" để định hình lại trật tự đó.

Trong ngắn hạn, đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc cho cuộc xung đột ở Ukraine phần lớn đi ngược lại các mục tiêu của Mỹ trong việc trừng phạt Nga, tuy nhiên những đề xuất của Bắc Kinh khó lòng được Kiev tiếp nhận.

Ở một chiều hướng khác, trong trường hợp Trung Quốc từ chối viện trợ vũ khí sát thương cho Nga thì việc Bắc Kinh tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với Moskva vẫn có thể giúp Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine lâu hơn nữa.

Một cuộc xung đột tiêu hao không chỉ có thể làm cạn kiệt nguồn lực của Ukraine, nó còn có thể thử thách quyết tâm của Mỹ và các quốc gia đồng minh trong việc tiếp tục viện trợ cho Kiev. Ngoài ra, sự chia rẽ của nước phương Tây đối với cuộc xung đột cũng bắt đầu xuất hiện sau bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.

Và nếu Washington vẫn tiếp tục viện trợ mọi thứ họ có cho Kiev thì nước Mỹ sẽ chẳng còn gì khi xảy ra một cuộc đối đầu mang tính hệ thống với Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Đây là điều Bắc Kinh muốn xảy ra nhất lúc này.

Cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu

Sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra trên một phạm vi toàn cầu rộng lớn hơn nhiều so với Nga trước đó. Tuy nhiên ngay cả khi vị thế của Moskva bị suy giảm thì họ vẫn là một siêu cường hạt nhân, đối với Trung Quốc không có đối tác nào có thể sánh được với Nga.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã không cố gắng che giấu rằng chuyến đi của ông tới Moskva là để làm suy yếu sức mạnh của Mỹ và phương Tây. Ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo trong một tuyên bố rằng thế giới đang đối mặt với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp và đan xen, gây tổn hại cho các hành động bá quyền, thống trị và bắt nạt – những ngôn từ thường để ám chỉ Mỹ.

Ngay sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby thừa nhận trong vài năm qua, Trung Quốc và Nga đang phát triển mối quan hệ ngày càng thân thiết hơn song Washington không gọi mối quan hệ này là một liên minh.

“Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”, ông Kirby nói trong một cuộc họp báo ngày 21/3.

Ông  Kirby cho rằng thay vì coi mối quan hệ khăng khít giữa Nga và Trung Quốc là một liên minh thì đó chỉ là một “cuộc hôn nhân giả”. Ông Kirby nói thêm Nga và Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc đóng vai trò là một bên đối trọng với sự ảnh hưởng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố Nhà Trắng không thấy cuộc họp thượng đỉnh Nga - Trung cùng ngày mang lại kỳ vọng chiến tranh sẽ sớm kết thúc.

Trong một phát biểu hôm 21/3, cựu Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Gary Locke cho biết các cuộc đàm phán giữa Nga và Trung Quốc bắt nguồn từ sự đối kỵ cả hai quốc gia đối với ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

“Trung Quốc đang cố gắng thể hiện mình là một thế lực mới, đứng lên chống lại các cường quốc phương Tây hoặc trật tự phương Tây. Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang nổi lên mạnh mẽ hơn về kinh tế và chính trị cảm thấy rằng họ phải tuân thủ các quy tắc do Mỹ và một số quốc gia châu Âu đưa ra”, ông Locke nói CNN.

Tuy nhiên tham vọng của Trung Quốc và Nga sẽ phải đối mặt với thách thức từ thực tế là liên minh phương Tây đang đoàn kết hơn bao giờ hết dưới thời Tổng thống Biden, nhất là sau khi xung đột Ukraine nổ ra.

"Tình hữu nghị Nga - Trung cũng có thể kém thực chất hơn so với sự hào nhoáng bên ngoài của điện Kremlin", ông Locke nói thêm.

Nga - Trung Quốc nồng ấm, Mỹ thấy bị đe dọa? - 2

Việc Iran và Ả Rập Xê-út hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho thấy những thay đổi địa chiến lược to lớn ở Trung Đông. Đóng một vai trò to lớn trong tiến trình này, Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy thế giới đâu chỉ có vấn đề Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Cơn ác mộng địa chính trị

Ý tưởng về một liên minh chiến lược Nga - Trung từ lâu đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ bận tâm.

Việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon “mở cửa” cho Bắc Kinh vào những năm 1970 được đặt tiền đề một phần là chia rẽ Trung Quốc và Liên Xô, mặc dù những tranh chấp về lãnh thổ và lịch sử giữa hai quốc gia này đã tồn tại trước sáng kiến ​​của Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, Nga được coi là mối đe dọa ít nguy hiểm đối với Mỹ khi Tổng thống Putin không muốn thay đổi trật tự thế giới mà Mỹ đứng đầu.

Một trong những “kiến ​​trúc sư” chính sách thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, nhà ngoại giao George Kennan, đã cảnh báo trước khi qua đời rằng việc NATO mở rộng sang phía Đông Âu có thể đẩy Nga về phía Trung Quốc.

Viết trong nhật ký của mình vào ngày 4/1/1997, ông Kennan dự đoán rằng Moskva sẽ phản ứng như thể họ là nạn nhân, tiếp tục quân sự hóa xã hội của mình và “phát triển quan hệ gần gũi hơn với các nước láng giềng phía đông, đặc biệt là Iran và Trung Quốc, nhằm hình thành một khối quân sự chống phương Tây như một đối trọng với NATO”.

Cả Trung Quốc và Nga gần đây đều xích lại gần Iran – một kẻ thù không đội trời chung khác của Mỹ. Nhưng mối quan hệ của họ, bất chấp tất cả những lời lẽ nồng nhiệt trong điện Kremlin vẫn còn lâu mới đạt đến mức ràng buộc quân sự và nó không phải là một liên minh chính thức giống như những mối quan hệ mà Mỹ duy trì ở châu Âu để ngăn chặn Nga và ở châu Á - Thái Bình Dương để kiềm hãm sức mạnh của Trung Quốc.

Mỹ khi đứng “bên ngoài” bình luận về hội đàm Nga – Trung Quốc vẫn tiếp tục lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh không nên cung cấp vũ khí hoặc đạn pháo cho Moskva – thứ quân đội Nga đang cần nhất lúc này để hóa giải thế bế tắc ở Ukraine.

Tuy nhiên, câu hỏi liệu Trung Quốc có cung cấp vũ khí cho Nga hay không chưa có lời giải.

Một động thái như vậy có thể làm mất đi tiếng tăm của Trung Quốc vốn tránh các hành động chính sách đối ngoại hòa bình của nước này, và sẽ khiến Bắc Kinh bị xếp ngang hàng với Moskva.

Nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế cứng rắn, vào thời điểm nước này đang phải vật lộn để tọa đà tái tăng trưởng. Bắc Kinh có thể không chỉ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Washington, mà còn có thể phá vỡ các mối quan hệ kinh tế không kém phần quan trọng với Liên minh châu Âu.

Trung Quốc đã và đang gặt hái những lợi ích đáng kể từ cuộc chiến ở Ukraine - về mặt thương mại gia tăng và khả năng mua khí đốt và dầu mỏ giá rẻ của Nga. Các biện pháp trừng phạt có thể là một đối trọng không mong muốn đối với tình huống đó.

Lịch sử cũng cho thấy rằng Bắc Kinh thường đặt điều kiện cho các chiến lược của mình hoàn toàn dựa trên tính toán đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Do đó, hình ảnh về Trung Quốc và mục tiêu cuối cùng là tạo ra một hệ thống chính trị và ngoại giao thay thế cho trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo nên được thực hiện bằng cách đóng vai trò là người kiến ​​tạo hòa bình ở Ukraine thay vì là người bảo vệ cho nước Nga.

Vì vậy, mặc dù có lý do để Mỹ lo ngại về việc hợp tác Nga-Trung có thể mở rộng như thế nào sau hội đàm 21/3, nhưng có vẻ như đó không phải yếu tố đủ giúp Moskva thay đổi cục diện hiện tại.

Ngày đăng: 08:40 | 24/03/2023

TRÀ KHÁNH(Nguồn: CNN) / Theo VTC News