Dù là đối tác ngày càng thân thiết, Nga tỏ ra cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Nỗ lực khẳng định vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề Bắc Cực đã vấp phải hoài nghi, thậm chí cảnh giác từ một số quốc gia khu vực. Hiệu quả từ những sáng kiến đầu tư do Bắc Kinh thúc đẩy vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Việc Nga trở thành chủ tịch luân phiên hai năm của Hội đồng Bắc Cực cũng không không mang về cơ hội cho tham vọng hướng bắc của cường quốc châu Á.
|
|
Chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu biến đổi khí hậu tại Bắc Cực vào tháng 8/2019. Ảnh: PA. |
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga về hợp tác vùng cực Nikolay Korchunov từng dành lời khen cho Trung Quốc, nhưng nhấn vào phương diện "kiềm chế" hơn so với các động thái quân sự hóa khu vực của phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm 2015 gọi Trung Quốc là đối tác ưu tiên đối với Nga ở khu vực. Tuy nhiên, ông cũng khéo léo lưu ý hợp tác song phương vùng cực không nên nhấn mạnh Hội đồng Bắc Cực. "Lãnh thổ Bắc cực thuộc Nga mới là khu vực hai nước hợp tác song phương với nhiều đối tác khác", ông nói.
Quan hệ Nga - Trung ngày càng được thắt chặt kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Xu hướng này được gia tăng bởi lệnh trừng phạt Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giáng vào Moskav sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Giới học giả Trung Quốc dự báo việc Nga trở thành chủ tịch luân phiên ở Hội đồng Bắc Cực sẽ mở đường cho Bắc Kinh tham gia sâu hơn vào quản lý khu vực, tăng cường gắn kết kinh tế Nga - Trung ở vùng cực. Hiện nay, công ty Trung Quốc đã có cổ phần trong hai dự án khí đốt hóa lỏng Yamal và đang hợp tác cùng Nga trong nhiều dự án khác.
Năm 2013, Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) mua 20% cổ phân ở dự án Yamal thứ nhất. Bước đi được đánh giá là khoản đầu tư năng lượng quy mô lớn đầu tiên từ Trung Quốc sang Nga. Quỹ Con đường Tơ lụa Trung Quốc năm 2016 tiếp tục mua 9,9% cổ phần dự án và cho đối tác vay 813 triệu USD. Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc cùng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng cho Nga vay khoảng 11 tỷ USD. Đến tháng 4/2019, CNPC và Tập đoàn Dầu khí Biển Quốc gia (CNOOC) tiếp tục mua 20% cổ phần ở dự án Yamal số 2. Nhờ lưới cấm vận phương Tây, các công ty Trung Quốc cũng chen chân thành công vào danh sách nhà thầu thứ cấp.
Hiện diện đầu tư của Trung Quốc không dừng ở các dự án dầu khí. Họ còn có dự án sân golf ở phía bắc Iceland và mỏ đất hiếm chiến lược tại Greenland. Trong vài năm qua, Moskav và Bắc Kinh cũng mở rộng hợp tác trong khu vực, với đối thoại thường xuyên từ cấp bộ trưởng ngoại giao đến chuyên gia. Năm 2017, Nga - Trung còn bắt tay phát triển "Con đường Tơ lụa Băng tuyết", hay "Con đường Tơ lụa Bắc Cực", dựa trên đầu tư của Trung Quốc vào Đường biển Phía bắc (SNR). Bắc Kinh không chỉ muốn kết nối các cảng phía bắc Trung Quốc qua SNR đến Tây Âu, mà còn tiếp thêm động lực cho đầu tư tại vùng Viễn Đông của Nga qua sáng kiến này.
Bắc Kinh không che giấu tham vọng hướng lên phía bắc. Trong sách trắng năm 2018, giới lãnh đạo Trung Quốc nói chiến lược ở khu vực là "thấu hiểu, bảo vệ, phát triển và tham gia quản trị Bắc Cực, nhằm bảo toàn lợi ích chung của mọi quốc gia và cộng đồng quốc tế ở Bắc Cực, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững". Trung Quốc tự nhận mình là nước "cận Bắc Cực" và có lợi ích trong khu vực, dựa trên tác động từ biến đổi khí hậu, mối liên hệ về động - thực vật, đầu tư và quá trình nghiên cứu, hoạt động kinh tế trong khu vực "từ năm 1925".
Tuy nhiên, cách Trung Quốc tự tạo mối liên hệ với khu vực đã vấp phải phản đối từ nhiều nước. Điều bất ngờ là chính Đại sứ Nikolay Korchunov cũng tuyên bố "không thể không đồng tình" với Washington rằng chỉ tồn tại hai nhóm: quốc gia Bắc Cực hoặc ngoài Bắc Cực. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh không tán thành cách Trung Quốc tự tạo ra khái niệm "cận Bắc Cực". Thông điệp từ Moskav báo hiệu sóng ngầm trong quan hệ Nga - Trung ở vùng băng giá phương bắc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm hang băng trên đảo Alexandra, nhằm giữa Bắc Băng Dương, vào tháng 3/2017. Ảnh: Sputnik. |
Ngay từ những ngày đầu, Moskav đã phản đối Trung Quốc trở thành quan sát viên Hội đồng Bắc Cực. Bất đồng chỉ được được tháo gỡ khi Trung Quốc cam kết tôn trọng chủ quyền của các nước vùng cực. Mặc dù hai chính phủ ngoài mặt cam kết hợp tác hàng hải trên Bắc Băng Dương, Moskav không quá hào hứng với tên gọi mỹ miều "Con đường Tơ lụa Bắc Cực" vì tham vọng này sẽ lấn át khái niệm SNR, vốn gắn liền với vị thế "quốc gia Bắc Cực" mà Nga đang nắm và biến tuyến đường biển qua Bắc Cực thành một sáng kiến của Trung Quốc.
Về dài hạn, mọi tín hiệu cải thiện quan hệ giữa Moskav và phương Tây đều là điềm báo chẳng lành cho Bắc Kinh. Giới chuyên gia Trung Quốc ý thức rõ công nghệ nước mình không phải sự lựa chọn đầu tiên của Nga. Cách Bắc Kinh phản ứng vào tháng 5 là minh chứng rõ nhất cho tâm thế dè chừng trước triển vọng quan hệ Nga - Mỹ cải thiện. Ngay sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Antony Blinken phía Mỹ bên lề phiên họp Hội đồng Bắc Cực, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, Dương Khiết Trì, tức tốc đến thẳng Moskav. Giới quan sát cho rằng cuộc đối thoại chiến lược tập trung vào các vấn đề vùng cực.
Nga cũng còn nhiều lựa chọn khác ngoài Trung Quốc và Mỹ để hợp tác phát triển khu vực. Đại sứ Korrchunov ngày 12/5 nhấn mạnh Nga sẵn sàng hợp tác với mọi quan sát viên châu Á trong Hội đồng Bắc Cực. Danh sách này còn có Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo chuyên gia Alexander Sergunin tại St. Petersburg, nhiều dự án Nga hợp tác với Trung Quốc đến nay đang bế tắc, điển hình là đề xuất đầu tư 5,5 tỷ USD xây cảng ở Arcangelsk. Trong khi đó, các dự án bắt tay cùng Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiến triển tốt bất chấp lưới trừng phạt phương Tây. Giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng các nhà đầu tư nước này chủ yếu muốn phát triển SNR làm cầu nối qua Bắc Âu. Họ không quá hào hứng trước chi phí đầu tư lãnh thổ Bắc Cực của Nga.
Trung Nhân (Theo Diplomat)
NATO cảnh giác mối quan hệ thân thiết của Nga - Trung Quốc |
Nga - Trung thắt chặt quan hệ trước thượng đỉnh Biden - Putin |
G7 đồng loạt chỉ trích Nga - Trung nhưng ít hành động ngăn chặn |
Ngày đăng: 14:20 | 14/06/2021
/ vnexpress.net