Theo truyền thông quốc tế, trong bối cảnh phía Nga dồn dập tấn công và hiện chỉ cách thành phố Pokrovsk - trung tâm hậu cần của Ukraine dưới 1,5km, Kiev đã tức tốc thay vị trí chỉ huy mặt trận Donetsk.
Báo cáo hàng ngày của Ukraine hôm 14/12 cho biết, quân đội nước này ghi nhận tổng cộng 62 cuộc giao tranh với quân đội Nga gần Pokrovsk trong 24 giờ qua. Theo các nguồn tin quân sự, các đơn vị Nga đã tiến quân từ phía Nam thành trì chiến lược này và hiện cách khu vực ranh giới đô thị Pokrovsk chỉ khoảng 1,5km.
Pokrovsk nằm trên một con đường chính nối liền nhiều thành phố, tạo thành một vòng cung phòng thủ chống lại các cuộc tiến công của Moscow và là thành phố lớn cuối cùng ở trung tâm vùng Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev.
Nga không ngừng tìm cách tiến tới tuyến đường này kể từ đầu xung đột, với mục tiêu là kiểm soát toàn bộ hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Hiện khoảng 11.000 dân thường vẫn còn ở lại Pokrovsk, tuy nhiên, nơi đây đã bị pháo kích liên tục trong nhiều tháng và tất cả các cơ sở hạ tầng quan trọng, gồm điện, nước và khí đốt, đã bị phá hủy.
Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky mô tả rằng tình hình ở Pokrovsk là "cực kỳ khốc liệt". Theo New York Times, việc Nga tiến công nhanh chóng là do tình trạng thiếu hụt quân nhân của Ukraine, trong khi ông Oleksandr Syrsky thừa nhận quân đội Moscow vượt trội, chủ yếu là về nhân lực.
Trong bối cảnh này, tướng Oleksandr Tarnavsky của Ukraine đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhóm tác chiến - chiến lược Donetsk, thay thế tướng Oleksandr Lutsenko. Nguồn tin của tờ Financial Times nói rằng tướng Oleksandr Lutsenko sẽ được giao vị trí khác trong biên chế lục quân Ukraine. Trước đó, ông Lutsenko bị các blogger quân sự Ukraine và một số nhà lập pháp chỉ trích vì không ngăn chặn đà tiến công dồn dập của quân đội Nga.
Được biết, tướng Oleksandr Tarnavsky (54 tuổi) từng là chỉ huy nhóm tác chiến - chiến lược Tavriia và dẫn đầu cuộc phản công chớp nhoáng giúp Ukraine giành lại thành phố Kherson vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, chiến dịch phản công quy mô lớn do lực lượng này phát động ở mặt trận miền Nam Zaporizhzhia vào mùa hè năm 2023 đã không thành công.
Ngoài Pokrovsk, hồi đầu tháng 10, Nga đã chiếm được Vuhledar, một trung tâm hậu cần quan trọng khác và là thành trì chiến thuật trong khu vực. Giới phân tích chính trị thế giới nhận định, Moscow có khả năng đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc chiếm giữ các thành trì nhằm đảm bảo vị thế thuận lợi hơn cho các cuộc đàm phán, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, mới đây, trong cuộc phỏng vấn Sky News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra tầm nhìn nhằm chấm dứt giai đoạn nóng của xung đột với Nga. Lần đầu tiên trong suốt gần 3 năm qua, ông đề cập đến khả năng tạm thời chấp nhận để Nga kiểm soát một phần lãnh thổ, đổi lấy việc được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm bảo an ninh cho các vùng lãnh thổ còn lại.
Timothy Ash, một cộng sự trong chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, nhận định: "Đây chắc chắn là một sự thỏa hiệp lớn của ông Zelensky về lãnh thổ, nhưng tôi nghĩ nó phản ánh thực tế khắc nghiệt".
Về phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 13/12 rằng Moscow muốn hòa bình lâu dài, không muốn thoả thuận ngừng bắn tạm thời ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga vẫn sẵn sàng đàm phán như Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố về điều này.
Nga coi các cuộc đàm phán là khả thi và cần thiết để giải quyết cuộc xung đột. Ông Peskov khẳng định: “Nếu Ukraine trốn tránh đàm phán, Nga sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về ý tưởng cử 1 đội quân châu Âu đến Ukraine trong trường hợp đình chiến, ông Peskov cho biết, cần thảo luận về vấn đề này trong các cuộc đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ: "Để giải quyết xung đột ở Ukraine cần phải loại bỏ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột và tính đến điều kiện của Nga, hơn là việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine”.
Ngày đăng: 09:20 | 15/12/2024
Kim Ngọc / CAND