Nhiều mảnh ghép số phận tìm đến thể thao như một niềm hy vọng cho bước ngoặt cuộc đời. Nhưng cũng có nhiều trường hợp nhận ra rằng, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… chưa hẳn đã là lối đi cho mục đích và lý tưởng sống…
Đặng Thu Huyền dũng cảm chia tay nghề vận động viên
Tại Việt Nam, người ta vẫn gọi ba môn thể thao là thế chân kiềng cho sự đổi đời. Đó là bóng chuyền, bóng đá và cầu lông. Sức hút của bóng chuyền có thể không như bóng đá. Nhưng trong giới nhà nghề, giá trị được quy đổi thành tiền vẫn có thể xem là thuộc diện một 9 một 10 với môn thể thao vua. Cách đây không lâu, người ta vẫn còn bàn tán xôn xao về thương vụ “bom tấn” hụt của Kim Huệ cùng một số vận động viên. Bởi nếu như họ thành công trong vụ chuyển nhượng từ Vietinbank sang Bamboo Airways Vĩnh Phúc, hàng tỷ đồng sẽ chảy vào tài khoản.
Tuy nhiên, không phải vận động viên (VĐV) bóng chuyền nào cũng cảm thấy đó là con đường màu hồng và tương lai cuộc đời mình. Đặng Thu Huyền, VĐV mới 19 tuổi và sở hữu mọi yếu tố để vươn tầm ngôi sao bóng chuyền Việt Nam lại quyết định dừng bước. Cách đây 8 tháng, cây chuyền hai có gương mặt khả ái bất ngờ quyết định giã từ sự nghiệp mới chỉ ở điểm khởi đầu của thăng tiến. Và như Huyền tâm sự trên báo giới cách đây không lâu, cô nhận ra được giá trị của cuộc sống thay vì gói gọn trong nhà thi đấu 4 bề vuông vức với tràn ngập tiếng bộp bộp nặng trĩu của trái bóng chuyền.
Đặng Thu Huyền chia sẻ, ngày còn làm VĐV, dù nhà cô ở rất gần câu lạc bộ, ngay Thường Tín thôi nhưng cũng không được về nhiều. Cô cũng như các bạn khác, nhà xa hay nhà gần thì 1 năm cũng chỉ được về 2, 3 lần thôi, không có nhiều thời gian để dành cho gia đình.
“Ngày trước đội là ngôi nhà thứ hai và em ở đội nhiều hơn ở nhà. Em rất thèm cảm giác được ở nhà, được sinh hoạt bình thường cùng gia đình. Vì thế trong 1 tháng đó em chỉ ở nhà với bố mẹ thôi, hầu như không đi đâu cả”- Huyền tâm sự thật lòng.
Nhiều người nói quyết định nghỉ bóng chuyền của Đặng Thu Huyền là liều lĩnh. Cũng có người khen việc dừng bước ở tuổi 19 của cô gái người Hà Nội là dũng cảm. Với Huyền, việc dừng lại đơn thuần là để tìm thấy những trải nghiệm cuộc đời khi vẫn còn ở tuổi thanh xuân. “Em nghĩ tuổi trẻ nên có nhiều trải nghiệm để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Nếu có những công việc hay cuộc thi nào đó mà mình đủ sức chơi và phù hợp với bản thân thì em sẽ tham gia. Em thấy mình còn quá trẻ để xác định mình là một cái gì đó. Sẽ rất phí nếu tuổi trẻ như thế này mình không chơi, không trải nghiệm thì không thể trưởng thành được. Em cần những trải nghiệm, cần kinh nghiệm và nếu có cơ hội em nghĩ là mình sẽ tham gia thôi. Thực sự em nghĩ mình rất sẵn sàng. Em không đặt nặng kết quả, nhưng điều đó mang đến kinh nghiệm để mình tốt hơn thì mình sẽ nắm bắt lấy”.
Huyền tâm sự, thời gian đầu sau khi giải nghệ, cô mất khoảng 1 tháng để có thể cân bằng được cuộc sống theo nhịp sinh hoạt ở bên ngoài. Khi còn là VĐV, cô chỉ biết tập luyện, tập luyện và tập luyện thôi. Cuộc sống của cô đều xoay quanh bóng chuyền. Đến khi giải nghệ, bước ra ngoài là một xã hội rất mới. Mới đầu cô cũng thấy khá lạ lẫm với cuộc sống bên ngoài và cần thời gian để bắt nhịp lại. Nhưng rồi dần dần mọi thứ cũng ổn, quan trọng là thấy rất vui. Sau khi giải nghệ, cô bắt đầu việc học tập và mới đây đã nhập học vào khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ. Ngoài ra, cô cũng có một shop quần áo nho nhỏ cùng chị gái.
8 tháng không phải là khoảng thời gian quá dài để lập tức có sự chuyển biến trong sự nghiệp, cuộc sống. Nhưng chí ít, nó cũng là đủ để Huyền cảm thấy quyết định dừng nghiệp VĐV của mình là đúng hay sai. Cô nói rằng khi ra ngoài thấy bản thân có nhiều cơ hội hơn, được tham gia những chương trình mà nếu như không giải nghệ thì không được tham gia. Cô cũng có tham dự một số game show trong thời gian qua. Đó cũng là những trải nghiệm để được tiếp xúc với những người làm nghệ thuật ở phía Nam, điều đó cũng sẽ mở ra những cơ hội khác cho mình.
Ánh Viên rời Đội tuyển quốc gia bơi lội
Câu chuyện Đặng Thu Huyền giải nghệ đã là một bất ngờ với những người yêu và làm thể thao. Nhưng việc Ánh Viên liên tục viết đơn trước khi được chấp nhận rời đội tuyển bơi Việt Nam thì lại là một cú sốc lớn. Tháng 10-2021, sau khi suy nghĩ thấu đáo và quyết đoán với sự nghiệp của mình, Ánh Viên đã chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao để tập trung hoàn thành chương trình học năm cuối tại Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh cũng như dành thời gian chăm lo cho cuộc sống cá nhân.
Cô quyết tâm thực hiện bằng được ý định này sau chuyến du đấu không thành công mới đây tại Olympic Tokyo 2020. Ông Võ Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm HLTT Quốc gia TP Hồ Chí Minh trao đổi với báo giới: "Trong buổi làm việc với lãnh đạo trung tâm, Ánh Viên cho biết đã suy nghĩ rất chín chắn về việc chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, không phải là hành động nhất thời. Đã dành toàn bộ tuổi trẻ của mình để cống hiến cho bơi lội và thể thao Việt Nam, cô không muốn trở thành vật cản đối với lứa VĐV trẻ khi bản thân đã bước sang tuổi 25, độ tuổi không thể phát triển hơn nữa đối với một VĐV bơi lội đỉnh cao trong khi thành tích của mình lại có chiều hướng đi xuống qua từng năm".
Việc kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên chia tay đội tuyển quốc gia và không tham gia thi đấu đỉnh cao chẳng phải là điều bất ngờ, thậm chí theo giới chuyên môn, đây chỉ là vấn đề thời gian sau khi kình ngư xuất sắc nhất của hai kỳ SEA Games 29 và 30 không còn là chính mình. Có trong tay bộ sưu tập thành tích mà bất kỳ VĐV nào cũng thèm muốn với 25 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ cùng với 11 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên dù vậy lại thi đấu không thành công ở Olympic Rio 2016, thất bại tại ASIAD 2018 và không đạt chuẩn tham dự Olympic tại Giải Vô địch thế giới 2019.
Quả thực, vấn đề của Ánh Viên không phải là không ai nhìn ra. Nhưng chẳng ai giúp cô tìm được một hướng đi mới và cách huấn luyện mới để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Áp lực thành tích dồn lên Ánh Viên, đặc biệt là tại SEA Games 30 cô phải thi đấu tới 8 trong tổng số 12 nội dung kèm chỉ tiêu săn vàng trong mỗi lần tham dự. Chứng kiến Ánh Viên bật khóc khi thành tích không như yêu cầu, giành được 6 HCV mà không kèm theo bất cứ kỷ lục nào như ở 2 kỳ SEA Games trước đó, nhiều nhà chuyên môn lẫn người hâm mộ không khỏi xót xa và tiếc nuối.
Đến giờ, Ánh Viên vẫn chưa bao giờ công khai hay nói những lời gan ruột trước báo giới. Nhưng cách mà cô chia tay đội tuyển quốc gia cũng như một cách giải thoát cho những khó khăn bủa vây lấy bản thân suốt nhiều năm qua. Tất nhiên, Ánh Viên nghỉ thi đấu đỉnh cao nhưng không tuyên bố giải nghệ. Có lẽ, cô cần một người thầy, một phương pháp huấn luyện mới, thậm chí là một chuyên gia tâm lý để giúp mình vượt qua những khó khăn vốn dĩ từng rối như tơ vò.
Cần chuyên gia tâm lý thể thao
Thể thao đỉnh cao của Việt Nam trong lộ trình phát triển nhiều năm qua khuyết đi một vị trí quan trọng ở các cấp độ đội tuyển quốc gia đến tỉnh, thành phố. Đó là chuyên gia tâm lý thể thao. Suốt nhiều năm qua, thể thao Việt Nam đã nỗ lực quan tâm đến các vấn đề từ dinh dưỡng, khoa học thể thao,… nhưng sự xuất hiện của chuyên gia tâm lý thì vẫn chưa được đầu tư thấu đáo và đúng mức.
Trước ASIAD 2018, mọi người bất ngờ khi HLV Đặng Anh Tuấn - người trực tiếp huấn luyện Ánh Viên vào thời điểm đó - cho biết, cô bị trầm cảm thời gian dài và phải sử dụng thuốc an thần, không nhận được sự giúp đỡ cần thiết để giải tỏa khủng hoảng khiến Ánh Viên cảm thấy rất cô đơn. Đáng kể hơn, từ năm 2020 đến nay, cô chỉ tự tập mà không có HLV nên thành tích càng đi xuống…
Không chỉ Ánh Viên, tuyển thủ của nhiều bộ môn thể thao khác cũng trong tình trạng tương tự. Ngay cả đội tuyển bóng đá, môn thể thao được quan tâm nhất ở Việt Nam, cũng không có chuyên gia tâm lý, dẫu biết đây là môn chịu nhiều sức ép nhất của thể thao Việt Nam.
Đơn Ca
Thể thao Việt Nam mặn chát nỗi buồn Olympic 2020: Phải xem lại định hướng đầu tư |
Quách Thị Lan về đích thứ 6, thể thao Việt Nam chia tay Olympic Tokyo 2020 |
Ngày đăng: 21:36 | 08/12/2021
/ antg.cand.com.vn