Nga sẽ xem việc từ chối trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của các quốc gia là vi phạm hợp đồng, theo Tổng thống Vladimir Putin.
Phát biểu tại cuộc họp về lĩnh vực hàng không, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nếu khách hàng mua khí đốt từ "các quốc gia không thân thiện" từ chối thanh toán bằng đồng rúp, Nga sẽ coi đó là hành vi vi phạm hợp đồng.
"Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ xem điều đó nghĩa là người mua không thực hiện các cam kết và áp dụng tất cả các điều khoản sau đó", ông Putin nói.
Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: AP) |
Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh quy định về việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp vào hôm 31/3.
Theo Bloomberg, Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho người mua từ các quốc gia không thân thiện trừ khi họ chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp từ ngày 1/4.
Nếu người mua không chấp nhận các điều khoản mới, Nga sẽ cắt nguồn cung.
Để mua khí đốt của Nga, "họ cần mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng Nga", theo ông Putin.
Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti cho biết, ngân hàng được chỉ định sẽ mở hai tài khoản cho mỗi người mua, một bằng ngoại tệ và một bằng đồng rúp. Người mua sẽ thanh toán bằng ngoại tệ và ủy quyền cho ngân hàng chuyển số tiền đó lấy rúp trên sàn giao dịch tiền tệ của Moskva. Sau đó, đồng rúp sẽ được đưa vào tài khoản thứ hai, nơi chính thức thực hiện việc mua khí đốt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu dù vậy vẫn thận trọng khẳng định họ sẽ tiếp tục trả tiền mua khí đốt tự nhiên bằng đồng euro và USD và muốn xem điều khoản rõ ràng về việc Điện Kremlin sẽ thực hiện sắc lệnh như thế nào.
Một số nhà kinh tế cho rằng việc chuyển các khoản thanh toán khí đốt sang đồng rúp sẽ không hỗ trợ nhiều cho đồng tiền của Nga, vì nhà xuất khẩu khí đốt Nga Gazprom dù sao cũng phải đổi 80% thu nhập ngoại tệ của mình sang đồng rúp.
Các nhà phân tích tại Evercore ISI nói rằng ngay cả khi Nga có thể buộc EU phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp, các nước châu Âu có thể trả đũa bằng cách áp đặt thêm thuế hoặc cấm hoàn toàn đối với dầu nhập khẩu của Nga. Như vậy, mặc dù Nga có thể bán dầu nhưng giá có thể sẽ giảm mạnh.
Trong làn sóng các lệnh trừng phạt nhắm đến Nga sau xung đột tại Ukraine, nhiều lo ngại đặt ra về nguồn cung năng lượng khi Nga là nhà cung cấp lớn của châu Âu. Nền kinh tế châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng với 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu nhập khẩu từ nước này.
Trong khi Mỹ và Anh cho biết họ sẽ ngừng mua dầu của Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu né tránh việc thực hiện động thái tương tự. Thay vào đó, họ tập trung vào việc giảm nhập khẩu từ Nga trong vài năm tới.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: Tass, AP, ABC News )
Các giải pháp bảo vệ tiền tệ của Nga trước “bão” trừng phạt |
(NÓNG) Tổng thống Putin kí lệnh yêu cầu EU thanh toán khí đốt bằng ruble |
Ngày đăng: 15:44 | 01/04/2022
/ vtc.vn