Nga chính thức tạm dừng cung cấp các dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu bắt đầu từ ngày 31/8, đồng thời cắt nguồn cung khí đốt cho gã khổng lồ năng lượng Engie của Pháp, khiến nhiều người bày tỏ quan ngại trước tương lai khí đốt ảm đạm tại châu lục này.
Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga xác nhận đường ống dẫn khí đốt đến khách hàng lớn nhất của họ là Đức sẽ tạm thời đóng cửa để bảo trì, bắt đầu từ ngày 31/8 đến 3/9. Dữ liệu từ nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream AG xác nhận không có nguồn cung cấp khí đốt nào được vận chuyển qua đường ống, tính đến 3h sáng 31/8 (giờ Moscow, tức 7h sáng theo giờ Hà Nội).
Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Gazprom trước đó tuyên bố sau khi hoàn thành sửa chữa và nếu không có trục trặc kỹ thuật, sẽ khôi phục việc vận chuyển khí ở mức 33 triệu m3 mỗi ngày, tương đương 20% công suất tối đa của đường ống.
Đáng chú ý, Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp xác nhận Gazprom đã thông báo cho họ về kế hoạch cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên từ ngày 30/8 vì các tranh chấp trong hợp đồng giữa hai bên. Được biết, Gazprom giảm nguồn cung khí đốt cho Engie từ mức 17% tổng nguồn cung hàng năm cho công ty xuống còn dưới 4%. Trước đó, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho các nước như Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan và Ba Lan.
Nhiều nước châu Âu trước nay dựa phần lớn vào khí đốt từ Nga đặc biệt quan ngại rằng Moscow có thể tiếp tục kéo dài thời gian cắt nguồn cung để trả đũa cho các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời, cáo buộc Nga đang sử dụng năng lượng như một “vũ khí chiến tranh”. Moscow phủ nhận các cáo buộc và cho rằng họ chỉ tạm thời cắt nguồn cung “vì lý do kỹ thuật”.
Tuy nhiên, không giống đợt bảo trì Nord Stream 1 kéo dài 10 ngày hồi tháng trước, động thái lần này được đưa ra chỉ hai tuần trước khi tiến hành và được chính Gazprom thực hiện thay vì đơn vị vận hành đường ống. Nga liên tục giảm nguồn cung sang châu Âu, cắt còn 40% hồi tháng 6 và chỉ còn 20% hồi tháng 7, viện dẫn các vấn đề kỹ thuật cũng như lệnh trừng phạt “cản trở việc trao trả và lắp đặt các thiệt bị”.
Trong ngắn hạn, châu Âu phải mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG trên thị trường giao ngay để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, chủ yếu là từ đối tác châu Á, vốn đã ký thỏa thuận dài hạn với các nhà sản xuất Mỹ và bán lại những lô hàng đó cho châu Âu, nơi giá khí đốt đang tăng vọt.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã tăng cường tích trữ thông qua nhiều nguồn khác nhau. Quá trình này được đẩy nhanh hơn dự kiến, tuy nhiên, vẫn còn quan ngại rằng lượng nhiên liệu này sẽ không đủ cho cả mùa đông. Theo Reuters, Đức đã lấp đầy đến 83,65% các kho dự trữ, gần đạt mục tiêu 85% trước ngày 1/10. Tuy vậy, mục tiêu 95% cần đạt được trước ngày 1/11 được coi là “bất khả thi” nếu các doanh nghiệp và người dùng tại nước này không cắt giảm đáng kể nhu cầu.
Đức cho biết sẽ khởi động lại các nhà máy điện than vào mùa đông để giảm nhu cầu khí đốt và đang xem xét lại quyết định đóng cửa ba nhà máy hạt nhân cuối cùng vào năm 2022. Tuy nhiên, Berlin vẫn chưa bỏ luật chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2040, làm phức tạp thêm nỗ lực đảm bảo nguồn cung LNG từ Qatar, nước yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng kéo dài nhiều thập kỷ.
Dù nhập khẩu lượng đáng kể khí đốt, khoảng 17% nhu cầu trong các năm trước đây từ Nga, song Pháp, một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu, không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Moscow để vận hành hạ tầng công nghiệp như quốc gia láng giềng Đức. Pháp được cho là đã lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt chiến lược cho mùa đông tới.
Tuy vậy, trong bối cảnh sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân, vốn chiếm 70% sản lượng điện tại Pháp và thủy điện giảm sút do vấn đề khí hậu, việc nguồn cung từ Nga bị cắt giảm sẽ làm trầm trọng hơn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, từ đó đẩy giá điện và lạm phát ở châu Âu tăng cao. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 29/8 đã hối thúc các chủ doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng và cảnh báo về nguy cơ phân bổ theo định mức. Engie hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác, bao gồm Algeria về khả năng tăng cường hợp tác cung cấp khí đốt.
Trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu, các nước đã lấp đầy 80,17% kho dự trữ, vượt qua mục tiêu 80% trước hạn chót 1/10, thời điểm mùa đông tại châu lục chính thức bắt đầu và nhu cầu sưởi ấm tăng chóng mặt. Nhiều nhà quan sát cho rằng nỗ lực này là chưa đủ, cảnh báo rằng châu Âu có thể phải đối mặt thời kỳ ảm đạm về khí đốt trong thời gian dài.
Châu Âu sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn trong 5 đến 10 năm, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cảnh báo. Trên thực tế, những hạn chế đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu sẽ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã khiến giá khí đốt bán buôn tăng 400% kể từ tháng 8 năm ngoái, buộc người dùng và doanh nghiệp cũng như chính phủ nhiều nước phải chi những khoản tiền khổng lồ để giảm bớt gánh nặng.
Tại Đức, lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm vào tháng 8 và trong khi mức độ hài lòng của người tiêu dùng dự kiến tiếp tục tụt dốc trong tháng thứ ba liên tiếp do hóa đơn năng lượng tiếp tục tăng.
Ngày đăng: 20:09 | 31/08/2022
Duy Tiến / CAND