Tổng thống Nga Putin kêu gọi nối lại đàm phán hòa bình Israel-Palestine, trong đó có trạng thái Jerusalem, sau khi Mỹ coi thành phố này là thủ đô Israel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Ai Cập ở thủ đô Cairo ngày 11/12. Ảnh: AFP.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia Ấn Độ nhân dịp thăm nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "lập tức nối lại đàm phán Palestine - Israel về mọi vấn đề tranh chấp, trong đó có trạng thái Jerusalem".
Cần nhanh chóng đạt được các thỏa thuận dài hạn "phù hợp với lợi ích của cả hai phía", AFP dẫn lời ông Putin nói hôm nay. "Chúng cũng phải phù hợp với các quyết định của cộng đồng quốc tế" và Nga "hoàn toàn ủng hộ những nghị quyết Hội đồng Bảo an trước đây".
Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này.
"Chúng tôi cho rằng mọi động thái đón đầu kết quả đàm phán giữa Israel và Palestine đều phản tác dụng", ông Putin nói. "Những hành động đó đang gây bất ổn, không giúp giải quyết tình hình mà còn kích động xung đột".
Jerusalem là thánh địa đối với người Do Thái, người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo. Trạng thái của Jerusalem là một trong những vật cản lớn nhất đối với tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Quyết định của ông Trump nhanh chóng vấp phải sự phản đối từ cộng đồng thế giới. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra tại nhiều quốc gia Hồi giáo và Arab trong 4 ngày qua.
28 nước EU không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel Thủ tướng Israel trong chuyến công du châu Âu đã vận động các nước Liên minh châu Âu công nhận Jerusalem là thủ đô Israel ... |
Nửa thế kỷ tranh chấp chủ quyền ở thánh địa Jerusalem Israel liên tục mở rộng diện tích kiểm soát tại thành phố Jerusalem, khởi đầu bằng việc chiếm khu vực phía đông từ tay người ... |
Ngày đăng: 11:00 | 12/12/2017
/ VnExpress