Truyền thông Nga không ngớt khen ngợi Tổng thống Biden, bày tỏ lạc quan về tương lai quan hệ hai nước sau hội nghị thượng đỉnh giữa hai lãnh đạo.
Những người Nga được các kênh truyền hình và đài phát thanh nước này phỏng vấn trước hội nghị thượng đỉnh Putin - Biden cho biết họ muốn Tổng thống Mỹ tránh xa các vấn đề nội bộ của đất nước và không "lên lớp" lãnh đạo Nga. Một số người thậm chí còn đổ lỗi cho Washington về việc tăng giá thực phẩm ở Nga, kêu gọi Tổng thống Putin cứng rắn hơn trước người đồng cấp Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Mỹ Joe Biden trước khi hai lãnh đạo bước vào hội đàm ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 16/6. Ảnh: AFP. |
Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh, giọng điệu ở Nga đã thay đổi.
Tổng thống Putin khen người đồng cấp Mỹ là "chính khách giàu kinh nghiệm" và "có tầm nhìn", đồng thời tỏ ý rằng Moskva sẵn sàng tham gia vào các vấn đề như kiểm soát vũ khí hạt nhân, an ninh mạng hay một số lĩnh vực khác. Ông đánh giá cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ là "mang tính thực tiễn", "nhen nhóm hy vọng" xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau giữa Moskva và Washington.
Sự thay đổi giọng điệu này cũng được phản ánh trên truyền thông Nga. Thông điệp chính hiện tại trên truyền thông Nga là: Đã qua rồi thời kỳ Tổng thống Mỹ là mối đe dọa đối với ổn định toàn cầu. Thay vào đó, ông giờ đây là lãnh đạo của một cường quốc sẵn sàng gặp mặt lãnh đạo một cường quốc khác đang ở thế đối đầu.
Câu hỏi đặt ra là Putin đã đạt được những gì từ cuộc gặp để có thể tạo ra chuyển biến bất ngờ như vậy? Đầu tiên, đó là sự tôn trọng, theo bình luận viên Robyn Dixon từ Washington Post.
"Cuộc hội đàm giữa chúng tôi kéo dài gần hai tiếng. Không phải lãnh đạo thế giới nào cũng được chú ý giống vậy", Tổng thống Nga nói trong cuộc họp báo sau hội nghị.
Bước chuyển biến trong thái độ của Putin đối với Biden dường như cũng được phản ánh qua cách truyền thông Nga đưa tin về Tổng thống Mỹ.
Bất chấp lịch trình công du châu Âu dày đặc, Tổng thống Biden "trông vẫn tươi tỉnh" và "hoàn toàn nắm rõ mọi vấn đề" trong hai giờ trao đổi, Putin nói. "Biden là một người chuyên nghiệp. Mọi người nên hết sức tinh ý khi làm việc với ông ấy để không bỏ sót bất kỳ điều gì. Ông ấy không bỏ sót bất cứ chi tiết nào, tôi đảm bảo điều đó".
Vladimir Vasilyev, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada, nhận xét những lời đối đáp của Biden với Putin sau cuộc gặp có vẻ nhẹ nhàng, giống như "lời khuyên từ một người chú tốt bụng" đang "đưa ra những lời cảnh báo với ý định tốt".
Gennady Gudkov, chính trị gia Nga, người thường xuyên chỉ trích Putin, bất ngờ trước giọng điệu tích cực bất thường của ông chủ Điện Kremlin về Tổng thống Biden.
"Tôi không thấy Tổng thống của chúng ta tỏ ra hân hoan chiến thắng", ông nói. "Rõ ràng thì cuối cùng Biden không phải một người yếu đuối".
Nhưng nhằm đề cao "bản lĩnh" của Putin, truyền thông Nga nhấn mạnh vào việc ông đã chấp nhận trả lời hàng loạt câu hỏi hóc búa từ các nhà báo Anh và Mỹ, trong khi Biden khi chỉ trả lời vài phóng viên Mỹ.
Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva, nhận định hội nghị vừa qua đã giúp giải tỏa bế tắc trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội đối thoại về an ninh vũ khí chiến lược và an ninh mạng.
Mặt khác, hai lãnh đạo cũng thừa nhận về lằn ranh đỏ của nhau. Với Moskva là ý định gia nhập NATO của Ukraine. Với Washington là các cuộc tấn công mạng nguy hiểm mà chính quyền Mỹ cáo buộc do tin tặc Nga thực hiện.
"Tôi nghĩ Putin đã có được tất cả những gì ông ấy mong muốn", Trenin cho hay. "Như vậy, nhiệm vụ đã hoàn thành. Tất nhiên, mức kỳ vọng ban đầu đúng là khá thấp".
Truyền thông Nga lạc quan nhấn mạnh "cuộc đối thoại thực dụng của hai lãnh đạo" đã cho thấy "một tiếng nói chung". NTV đưa tin "thế giới đã trở thành nơi an toàn hơn" nhờ hội nghị thượng đỉnh.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/6 cho biết hội nghị diễn ra "khá tích cực" và nó giúp hai lãnh đạo hiểu rõ "nơi nào có thể tương tác, nơi nào không".
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky cho rằng thượng đỉnh Biden - Putin là một "bước tiến hướng tới xuống thang căng thẳng", mang đến hy vọng mở rộng đối thoại trong tương lai.
Trả lời báo Kommersant, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dự đoán các cuộc thảo luận về hạn chế vũ khí chiến lược có thể bắt đầu trong vài tuần tới. Ông coi tuyên bố chung của hội nghị Biden - Putin rằng không thể có người chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân là "một thành tựu quan trọng".
Theo ông, mọi nhiễu loạn hay tranh cãi xung quanh vấn đề này đều "không chỉ có hại mà còn nguy hiểm". "Nhưng giờ đây, chúng ta đã có một nguồn tham khảo", Ryabkov nhấn mạnh, chỉ tuyên bố chung sau hội nghị. "Kết quả là chúng ta đã cảm nhận được một sự chắc chắn hơn từ bên trong".
Viết trên báo Izvestia, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev, cho rằng chính Mỹ đã khiến quan hệ song phương lao dốc, thêm rằng Washington phải có ý chí chính trị để thay đổi điều này.
Tuy nhiên, học giả Vladislav Inozemtsev, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về các Xã hội Hậu công nghiệp có trụ sở ở Moskva, nhận định tương lai mối quan hệ Nga - Mỹ lại phụ thuộc vào Tổng thống Putin.
"Biden đã thực hiện động thái hòa giải của mình... Giờ đến lúc Putin làm điều tương tự. Liệu Tổng thống Nga có sẵn sàng cho thực tế mới rằng đối thủ của ông không còn là đối thủ nữa? Chúng ta sẽ sớm được nhìn thấy", Inozemtsev nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)
Thượng đỉnh Biden - Putin: Cánh cửa mở cho quan hệ Mỹ - Nga |
Thượng đỉnh Biden - Putin: Không có bữa ăn chung, họp báo riêng |
Láng giềng Nga thấp thỏm với thượng đỉnh Biden - Putin |
Ngày đăng: 10:30 | 19/06/2021
/ vnexpress.net