Tổng thống Vladimir Putin vừa ra lệnh cho các lực lượng Nga tiến vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, thực hiện "các chức năng gìn giữ hòa bình".
Hôm 22/2, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga điều động quân "thực hiện các chức năng gìn giữ hòa bình" tại các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk. Sắc lệnh này được công bố vào tối 21/2 và có hiệu lực ngay lập tức.
Đồng thời, ông Putin cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty) |
Động thái này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Putin công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk là các quốc gia độc lập. Ông Putin công bố quyết định của mình trên truyền hình trước Nga. Quyết định này ngay lập tức vấp phản ứng gay gắt của chính phủ Ukraine, NATO và các quốc gia phương Tây.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell lên án mệnh lệnh của ông Putin, cho rằng đó là "hành động gây hấn hoàn toàn đối với Ukraine, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này", đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Putin tuyên bố: “Khi mức độ đe dọa đối với đất nước chúng ta ngày càng lớn hơn, Nga có mọi quyền thực hiện các biện pháp đối phó để tăng cường an ninh. Và đó là cách chúng tôi dự định hành động".
Thông báo công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk là quốc gia độc lập được đưa ra trong bối cảnh các lực lượng trung thành với hai khu vực ly khai và quân đội của Kiev cáo buộc nhau thực hiện các cuộc pháo kích dữ dội trên khắp chiến tuyến.
Hôm 21/2, lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk kêu gọi sự ủng hộ của Moskva cho nền độc lập của họ.
Trong bài phát biểu của mình hôm 21/2, Tổng thống Putin nói rằng quá trình thực thi thỏa thuận Minsk đã thất bại và Ukraine “không quan tâm đến các giải pháp hòa bình".
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk do phe ly khai lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014. Đến nay, không có quốc gia thành viên nào của Liên hợp quốc công nhận họ là quốc gia có chủ quyền.
Ngày đăng: 09:39 | 22/02/2022
/ vtc.vn