Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, nền kinh tế Nga đang vượt qua cơn "bão" trừng phạt của phương Tây tốt hơn dự kiến nhờ được hưởng lợi từ giá năng lượng cao.

Chiến dịch quân sự trên đất Ukraine đã biến Nga thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử thế giới. Mỹ và các quốc gia đồng minh phương Tây những tháng qua mô tả các lệnh trừng phạt đó nhằm mục tiêu cắt nguồn ngân sách và loại bỏ Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

nga20122-1658883846494
Khu cao ốc tài chính ở Moscow nhìn từ Điện Kremlin. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF, Nga dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP khoảng 2,5% trong năm 2022, dù nền kinh tế nước này tổng thể vẫn sụt giảm khoảng 6%, AFP đưa tin.

Theo nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF, dù kinh tế Nga tuột dốc, song cuộc suy thoái không hề tồi tệ như phương Tây dự báo. Ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: "Ngân hàng Trung ương Nga và các nhà hoạch định chính sách của Nga đã ngăn chặn được cơn hoảng loạn ngân hàng cũng như các khủng hoảng tài chính khi các lệnh trừng phạt được áp dụng".

Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế Nga. Đầu năm, giá dầu chỉ giao dịch dưới mốc 80 USD/thùng, nhưng đã có lúc vọt lên gần 130 USD hồi tháng 3 và hiện giao dịch quanh mốc 100 USD; còn giá khí đốt tăng vọt và chưa giảm nhiệt đáng kể.

Trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, báo cáo của IMF đánh giá "nền kinh tế Nga có mức giảm trong quý II thấp hơn so với dự kiến, nhờ xuất khẩu dầu thô và các mặt hàng phi năng lượng tăng tốt hơn dự kiến".

IMF tin rằng, "nhu cầu tiêu dùng nội địa của Nga cũng đang cho thấy một số khả năng phục hồi" do sự hỗ trợ của chính phủ. Tuy vậy, tổ chức này vẫn đưa ra đánh giá không mấy khách quan về triển vọng tương lai của kinh tế Nga, khi dự báo Moscow sẽ ghi nhận mức sụt giảm 3,5% trong năm 2023.

"Các hình phạt đã được áp dụng, cũng như các hình phạt mới được châu Âu công bố, có nghĩa là tác động tích lũy của các biện pháp trừng phạt cũng tăng lên theo thời gian", chuyên gia Gourinchas nói, nhắc đến 7 gói trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt chống Nga.

Về phía châu Âu, báo cáo của IMF khẳng định, các quốc gia EU đang đối mặt với gánh nặng hậu quả từ các lệnh trừng phạt do phục thuộc vào Nga về năng lượng. IMF cảnh báo, tình hình tồi tệ hơn nếu Moscow cắt giảm xuất khẩu khí đốt và khi các lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của châu Âu bằng đường biển dự kiến có hiệu lực từ đầu năm sau.

Ngày đăng: 13:10 | 27/07/2022

Thiện Nhân / CAND