Giới phân tích thậm chí còn chỉ ra sự hợp tác “tình cờ” giữa Nga và Mỹ làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong khu vực.
Tham vọng bành trướng
Căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti tiếp tục trở thành chủ đề nóng được hết sức quan tâm. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng đây là một mốc quan trọng trên con đường trở thành một cường quốc quân sự thế giới.
Đây có thể là bước đầu tiên của Trung Quốc nhằm tăng đáng kể sự hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương.
Với việc mở cơ sở quân sự ở nước ngoài đầu tiên với 10.000 binh lính, Bắc Kinh đã tham gia vào một câu lạc bộ vốn luôn được coi chỉ là của đế quốc phương Tây.
Đối với Trung Quốc, căn cứ Hải quân và Không quân kết hợp ở Djibouti có nhiều ý nghĩa. Căn cứ này sẽ hỗ trợ cho lực lượng Hải quân Trung Quốc đã được triển khai ở ngoài khơi Somalia thực hiện các cuộc tuần tra chống cướp biển từ năm 2008 và mở rộng tầm với của Không quân Trung Quốc ra khắp châu Phi.
Hải quân Trung Quốc thể hiện tham vọng ngày càng lớn |
Theo tuyên bố của Bắc Kinh, căn cứ này sẽ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển và sẵn sàng giúp hỗ trợ việc di dời công dân Trung Quốc khi xảy ra biến cố trong khu vực.
Những năm qua, Trung Quốc đã cử lực lượng Hải quân đưa công dân khỏi cuộc xung đột tại tại Yemen và Libya.
Djibouti là trung tâm các hoạt động của Mỹ ở châu Phi. Pháp và Nhật Bản cũng duy trì sự hiện diện quân sự ở quốc gia có vị trí chiến lược này. Với căn cứ quân sự của mình ở đây, Trung Quốc có thể theo dõi các hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển 1 căn cứ Hải quân tại cảng Gwadar của Pakistan, gần Eo biển chiến lược Hormuz, như là một chỗ đứng ở Ấn Độ Dương.
Trung Quốc cũng có thể hy vọng thiết lập các căn cứ Không quân và Hải quân ở Đông Phi và có thể ở Malpes hoặc Sri Lanka. Trong những năm gần đây, tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Karachi và Colombo, Ấn Độ cho biết ít nhất 14 tàu chiến Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong những tháng gần đây.
Vị trí chiến lược của Djibouti sẽ giúp Trung Quốc thực hiện các tham vọng ở Ấn Độ Dương? |
Đây là một phần của chiến lược Hai đại dương mới của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ Dương đã được thêm vào cùng với Thái Bình Dương như là một khu vực mà Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ những gì mà nước này coi là lợi ích cốt lõi của mình.
Trung Quốc chắc chắn có nhiều lợi ích chiến lược quan trọng và lợi ích kinh tế to lớn trong khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc sẽ làm tăng sự hiện diện của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương.
Vai trò của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ như thế nào?
Liệu nước này có tham gia với các cường quốc có trách nhiệm khác ở Ấn Độ Dương bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh và Australia nhằm bảo đảm an ninh hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế?
Hay sẽ là sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, trong đó mỗi nước đều cạnh tranh ảnh hưởng và chạy đua xây dựng tiềm lực quân sự?
Nhiều quốc gia yếu ở vành đai Ấn Độ Dương có thể trở thành những “quân tốt” trong các "trò chơi" địa chính trị của các cường quốc, gây thiệt hại cho toàn khu vực.
Một viễn cảnh đáng lo ngại hơn nữa có thể là Mỹ rút khỏi Vịnh Persian khi nước này trở thành nước xuất khẩu năng lượng trong thập kỷ tới. Như thế có thể tạo ra một khoảng trống lớn mà Trung Quốc mong muốn lấp đầy.
Người bạn quen
Tuy nhiên, tham vọng đại dương của Trung Quốc đang vấp phải trở ngại lớn từ chính quốc gia dường như là đồng minh.
Các cuộc tập trận hải quân chung mới đây giữa Nga và Trung Quốc trên biển Baltic thể hiện ra rằng hai nước đang mở rộng hợp tác quân sự trong cuộc đối đầu với phương Tây nhưng giới phân tích cho rằng chính Nga cũng đang góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm Phần Lan ngày 27/7, trùng thời điểm kết thúc các cuộc tập trận trên biển Baltic, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng các cuộc tập trận quân sự Nga-Trung không nhằm vào một nước thứ ba nào, đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow và Bắc Kinh không thiết lập các khối quân sự hay liên minh quân sự.
Trong lời giải thích của Tổng thống Putin không phải không có sự thật bởi Trung Quốc và Nga không phải đồng minh. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc Nga bán vũ khí cho các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á.
Tàu chiến Trung Quốc tới Nga để tập trận chung trên biển Baltic |
Trong số các khách hàng này, giới phân tích quốc tế đã chỉ ra một số quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Các vũ khí được Nga cung cấp có thể kể tới như tàu ngầm, tàu khu trục, hệ thống phòng thủ bờ.
Ngoài ra còn có xe tăng chiến đấu T-90 và hệ thống phòng thủ tên lửa Triumf S-400, thậm chí cả máy bay chiến đấu MiG-35.
Malaysia, Philippines và Indonesia cũng đang tăng cường quan hệ quân sự với Nga. Tháng 7/2017, Moskva đã ký kết một thỏa thuận với Kuala Lumpur nhằm hiện đại hóa hạm đội máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga sản xuất vốn đang phục vụ trong không quân Malaysia.
Về phần mình, Philippines không phải là quốc gia tiếp nhận các vũ khí quân sự của Nga nhưng đang tìm kiếm khoản vay từ Moscow để mua các hệ thống này trong tương lai gần.
Theo tin tức truyền thông, tháng 5/2017, trong chuyến thăm Moscow của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, chính phủ Nga dường như đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Manila và kêu gọi đối tác Đông Nam Á này đệ trình danh sách vũ khí mong muốn.
Một “đối thủ” khác của Trung Quốc là Ấn Độ cũng tiếp tục là khách hàng hàng đầu mua vũ khí Nga. Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán để mua 5 khẩu đội tên lửa S-400 năm 2016. New Delhi cũng đang trong giai đoạn đàm phán tiến triển với Moscow về việc mua 4 tàu khu trục lớp Grigorovich và sẽ cùng sản xuất các máy bay trực thăng Kamov-226T với Nga.
Máy bay chiến đấu Su-30 do Nga sản xuất |
Tháng 7/2017, tại triển lãm hàng không quốc tế MAKS tại Moscow, Giám đốc Tập đoàn vũ khí Rostec, ông Sergey Chemezov, phát biểu với truyền thông Ấn Độ rằng hợp tác giữa Ấn Độ và Nga về máy bay chiến đấu T-50 PAK FA thế hệ thứ 5 đang được thúc đẩy, dù hai bên đang bất đồng về các bộ phận cấu thành chính như động cơ máy bay.
Thêm vào đó, Nga đã sẵn sàng cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân lớp Akula thứ hai và đang đàm phán về việc bán 48 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17 cho Không quân Ấn Độ.
Hợp tác quân sự Nga-Ấn cũng tập trung vào việc cùng phát triển các hệ thống vũ khí tối tân như tên lửa siêu vượt âm BrahMos. New Delhi đang phát triển phiên bản BrahMos-A được phóng từ trên không, được thiết kế để lắp vào máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI.
Nga và Ấn Độ sẽ bắt đầu tiếp thị và bán các tên lửa hành trình BrahMos ở nước thứ ba. Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang được cho là các khách hàng tiềm năng ở Đông Nam Á.
Giới phân tích thậm chí còn chỉ ra sự hợp tác “tình cờ” giữa Nga và Mỹ làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong khu vực.
Việc Malaysia mới đây điều chỉnh máy bay chiến đấu Su-30 mua của Nga để thả bom laser của Mỹ là bằng chứng rõ nhất về sự hợp tác “tình cờ” này.
Ngày đăng: 14:34 | 15/08/2017
/ Đông Triều/Đất Việt